"Poly-working" là thuật ngữ được kết hợp giữa "poly" (có nghĩa là "nhiều" trong tiếng Hy Lạp) và "working" (làm việc), chỉ xu hướng đảm nhận nhiều công việc cùng lúc. Xuất phát từ các quốc gia phương Tây, mô hình làm việc này không chỉ giúp người lao động linh hoạt hơn mà còn tạo điều kiện mở rộng kỹ năng và trải nghiệm nghề nghiệp. Theo khảo sát của Deloitte, 46% Gen Z và 37% Millennials đang làm thêm ít nhất một công việc ngoài giờ chính thức. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đang tăng dần nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ làm việc từ xa và văn hóa lao động linh hoạt.
3 - 4 công việc là chuyện bình thường
6 giờ sáng, Minh Châu (24 tuổi, TP.HCM) lặng lẽ đóng laptop sau ca làm việc kéo dài 4 tiếng với vị trí hỗ trợ khách hàng từ xa cho một công ty nước ngoài. Sau đó, cô nàng tranh thủ chợp mắt khoảng 2 giờ trước khi đến văn phòng chính tại quận 1 để làm việc chính thức với vai trò chuyên viên thiết kế đồ họa. “Ban đầu, mình nhận thêm công việc hỗ trợ khách hàng chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng dần dần, mình nhận ra rằng bản thân có thể khai thác khả năng ngoại ngữ đồng thời luyện kĩ năng giao tiếp tốt hơn”, Minh Châu chia sẻ.
"Poly-working" khiến Châu chỉ có thể ngủ 4-5 tiếng 1 ngày. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, sự đánh đổi của Minh Châu cho công việc là không hề nhỏ. “Mình từng có khoảng thời gian hơn một tháng chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày, cơ thể mệt mỏi đến mức không thể tập trung. Có hôm, mình gần như ngất xỉu ngay tại văn phòng vì kiệt sức,” Châu kể. Nhưng đối với Minh Châu, poly-working không chỉ là áp lực, mà còn là động lực. “Mình không muốn bị bó hẹp trong một khuôn khổ cố định. Làm nhiều việc giúp mình học được cách quản lý thời gian kiếm thêm thu nhập", cô nàng cho biết.
Vũ Minh Ngọc (24 tuổi, Hà Nội), hiện là chuyên viên tiếp thị tại một công ty về phần mềm, đồng thời đảm nhiệm công việc freelancer về viết nội dung và quản lý truyền thông xã hội. Minh Ngọc chia sẻ: “Mình muốn thử sức ở nhiều vai trò để hiểu rõ thế mạnh của mình, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Dù công việc chính đủ để sống thoải mái, nhưng mình nghĩ còn trẻ, nếu không tận dụng thời gian, sau này sẽ hối tiếc.”
Cũng giống như Châu và Ngọc, nhiều bạn trẻ cho rằng làm nhiều nghề không chỉ là cách tích lũy kinh nghiệm mà còn là kế hoạch dự phòng trước những bất ổn trong thị trường lao động hiện nay.
Nguyễn Thái Quân (25 tuổi, TP.HCM) hiện làm ba công việc song song: lập trình viên tại một công ty công nghệ, phát triển ứng dụng tự do, và thỉnh giảng tại một trường đại học. Với lịch trình bận rộn từ sáng đến khuya, Quân ví von: “Cuộc sống của mình như một guồng quay không ngừng nghỉ, đôi khi quên cả việc ăn uống.”
Mỗi ngày của Quân bắt đầu lúc 7 giờ sáng với công việc chính. Sau giờ làm, chàng trai tiếp tục xử lý các dự án freelance đến tận khuya. Cuối tuần, anh chàng dành thời gian để soạn giáo án và giảng dạy. “Mặc dù mệt mỏi, mình cảm thấy mỗi công việc đều bổ trợ cho nhau, giúp mình không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân,” Quân nói thêm.
Làm việc poly-working sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không biết cách quản lý thời gian. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, lịch trình dày đặc như vậy cũng khiến chàng trai 25 tuổi phải đối mặt với nhiều áp lực. “Có lần mình nhập viện vì suy nhược cơ thể, điều đó buộc mình phải xem lại cách quản lý thời gian và sức khỏe,” Quân thừa nhận.
Poly-working mang đến không ít lợi ích, từ việc mở rộng kiến thức, bổ trợ, tăng cường kỹ năng và kiếm thêm thu nhập cho người trẻ. Tuy nhiên, mô hình làm việc này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, đặc biệt khi người trẻ không biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Nguyễn Phương Thảo (23 tuổi, TP.HCM), sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ, đồng thời làm trợ giảng, gia sư và quản lý shop online, chia sẻ: “Lúc đầu, mình rất hào hứng vì có thể kiếm tiền và trải nghiệm nhiều kiến thức mới. Nhưng càng làm, càng nhận ra mình dần mất đi thời gian dành cho gia đình, bạn bè và cả bản thân". Thảo cho biết nữ sinh từng rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ, khó ngủ và thường xuyên cáu gắt.
Người trẻ cần làm việc thông minh
Theo Tiến sĩ Xã hội học Tuyết Minh, poly-working phản ánh sự năng động và linh hoạt của thế hệ trẻ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi không ngừng. “Gen Z hiểu rõ rằng chỉ dựa vào một nguồn thu nhập là không đủ, đặc biệt khi đối mặt với suy thoái kinh tế và thị trường lao động ngày một cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đòi hỏi sự tự nhận thức cao để tránh rơi vào trạng thái làm việc đến kiệt sức,” bà nhận định.
Tiến sĩ nhấn mạnh rằng, dù làm nhiều việc giúp mở rộng kỹ năng và tăng cơ hội phát triển, nhưng nếu không biết cách quản lý sức khỏe tinh thần, người trẻ dễ gặp phải hội chứng burnout (kiệt sức): “Poly-working không phải là giải pháp lâu dài nếu các bạn trẻ không xây dựng được ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống,” bà cảnh báo.
"Để tận dụng lợi ích của poly-working mà không rơi vào trạng thái kiệt sức, người trẻ cần áp dụng một số giải pháp. Đầu tiên, hãy thiết lập mục tiêu rõ ràng và ưu tiên những công việc phù hợp với kế hoạch dài hạn. Kỹ năng quản lý thời gian là yếu tố then chốt, biết cách sử dụng các công cụ hỗ trợ như ứng dụng lên lịch hoặc bảng kế hoạch có thể giúp tối ưu hóa lịch trình. Ngoài ra, hãy duy trì sức khỏe bằng cách đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và dành thời gian thư giãn. Cuối cùng, không ngại nói “không” khi cảm thấy quá tải và thường xuyên đánh giá lại hiệu quả công việc để điều chỉnh kịp thời", tiến sĩ cho hay.
Làm việc để sống, chứ không phải sống chỉ để làm việc. Gen Z, với sự linh hoạt và óc sáng tạo vượt trội, đang tái định nghĩa khái niệm lao động thời hiện đại. Tuy nhiên, chỉ khi các bạn biết duy trì sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống cá nhân, những nỗ lực đó mới có thể mang lại giá trị bền vững và ý nghĩa trọn vẹn trên hành trình phát triển bản thân.