Khi lộ trình điều trị được cá nhân hóa
Nói về cơ duyên thực hiện dự án này, Đức Thịnh (thành viên nhóm dự án) cho biết, ở giai đoạn dậy thì, Thịnh cũng đã có rất nhiều mụn trứng cá và phải rất chật vật với nó. “Dù đã đi thăm khám ở nhiều nơi nhưng không phải nơi nào cũng uy tín. Tình trạng da mình sau khi thăm khám lại còn nhiều mụn hơn ban đầu. Sau đó, mình tìm hiểu thêm về cách vệ sinh da mặt, tìm được các chuyên gia tốt hơn và mình đã rút ra được bài học. Nỗi ám ảnh về mụn cũng chính là nguồn động lực để mình thực hiện dự án này”, Đức Thịnh trải lòng.
Đức Thịnh cho biết thêm, vấn đề gặp phải hiện nay ở nhiều bệnh nhân gặp về mụn trứng cá, đó chính là việc tìm ra phương pháp điều trị cá nhân, phù hợp với từng người dùng.
Nói về quy trình làm việc của Acne10M, Anh Kiệt (thành viên khác của dự án) cho biết, phần mềm tiến hành thu thập câu trả lời của người dùng với bộ câu hỏi được xây dựng bởi các bác sĩ, chuyên gia. Tiếp đó, người dùng tiến vào giao diện trang chủ. Tại đây có các kiến thức bổ ích về hóa học chăm sóc da, lối tắt dẫn đến các tính năng khác và những đề xuất về sản phẩm chăm sóc da.
Về chức năng chính của Acne10M, model (mô hình) AI có khả năng nhận diện mụn trứng cá từ các hình ảnh được người dùng cung cấp. Từ đó, hệ thống đưa ra các chẩn đoán về tình trạng mụn, kết hợp với câu trả lời đã thu thập từ đầu để phân luồng điều trị.
Anh Kiệt (trái) và Đức Thịnh (phải) đứng cạnh standee giới thiệu về dự án. |
Theo Anh Kiệt, ở khâu phân luồng điều trị, Acne10M đưa ra 2 phương pháp giải quyết. Một là phương pháp chung - giải pháp phù hợp với tất cả người dùng đang gặp tình trạng mụn trứng cá. Hai là phương pháp riêng - lộ trình điều trị được xây dựng với bộ dữ liệu của từng người dùng. Dữ liệu chẩn đoán sẽ được thuật toán xây dựng thành dạng biểu đồ thể hiện mức độ hoàn thiện quá trình điều trị. Những kết quả này được lưu lại ở nhật ký giúp người dùng có thể theo dõi lộ trình điều trị.
Anh Kiệt cho biết thêm, người dùng còn có thể tìm đến đội ngũ chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn, giải đáp các thắc mắc trực tuyến ngay trên phần mềm. Hơn nữa, ở trang mua sắm được tích hợp trên phần mềm, Acne10M cho phép người dùng tìm những sản phẩm chăm sóc da phù hợp với tình trạng da dựa trên phương pháp cá nhân hóa.
Cạnh tranh bằng dữ liệu và độ chính xác
Để thực hiện dự án này, nhóm đã tiến hành cuộc khảo sát nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên trong độ tuổi 18 - 24. “Với 200 người tham gia khảo sát, chúng mình rút ra 4 điều bất ngờ. Thứ nhất, 90,1% người tham gia bỏ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ. Thứ hai, 75% trong số họ không tuân thủ lộ trình điều trị của bác sĩ mà sẵn sàng chấm dứt điều trị ngay khi cảm thấy mình đã khỏe hơn. Thứ ba, hầu hết các bạn trẻ dựa vào các dược sĩ để đưa ra các chẩn đoán điều trị. Và thứ tư, AI có thể giúp giảm áp lực cho hệ thống y tế”, Đức Thịnh cho biết.
Đức Thịnh và Anh Kiệt đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về dự án 'Acne10M' tại 'Tuần lễ Đổi mới sáng tạo' do trường ĐH Quốc tế tổ chức. |
Nói về các sản phẩm cùng phân loại trên thị trường, Đức Thịnh nhận định: “Acne10M cạnh tranh bằng dữ liệu và độ chính xác. Không giống các phần mềm khác, dự án của chúng tôi chỉ nhắm đến mụn trứng cá và tiếp cận bằng một cách chuyên sâu với đủ nguồn lực cố vấn từ các chuyên gia. Acne10M khẳng định, trong tương lai có nhiều tài liệu hơn nữa”.
Đánh giá về Acne10M, GS. TS Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) nhận xét: “Tôi thấy phần mềm này thực sự cần thiết đối với học sinh, sinh viên, những người trẻ”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Thành viên Hội đồng đánh giá, tin rằng việc phát triển dự án này để đi vào ứng dụng, thương mại hóa là khả thi. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập CNV Consulting và Teresa Herbs bày tỏ: “Mặc dù hiện nay đã có nhiều phần mềm sử dụng hình ảnh để đánh giá về da, nhưng dự án Acne10M tập trung về mụn. Tôi thấy đây là điểm đặc biệt của dự án và tôi cho rằng việc phát triển dự án này để đi vào ứng dụng, thương mại hóa là khả thi”.