SVVN - Trong tương lai, các bạn trẻ sẽ là những người đưa ngành logistics phát triển hơn nữa, xây dựng được những doanh nghiệp khởi nghiệp logistic lớn. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ các sinh viên cần xây dựng được một phong cách làm việc “em của ngày hôm nay, phải khác ngày hôm qua”.
Tại tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics” do Mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam tổ chức mới đây tại trường Đại học Hàng Hải (TP Hải Phòng), PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh, diễn biến phức tạp, đây là thời điểm rất cần năng lực khác biệt, đổi mới sáng tạo của người trẻ, nhất là trong ngành logistic.
Theo ông Thiên, hiện chi phí cho logistic của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ khoảng 11%. Bên cạnh đó, Chính phủ đang ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics, đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GDP vào năm 2020. Do vậy, đây thực sự là cơ hội lớn dành cho người trẻ.
Cần ý tưởng mới
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các bạn sinh viên đặt ra làm sao để người trẻ có thể khởi nghiệp được trong ngành logistics, cách thu hút nhân sự giỏi đối với một start up, hay cách biến ý tưởng thành dự án, thu hút được nguồn vốn đầu tư…
Các diễn giả cho rằng, sinh viên cần chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng, kiến thức để sẵn sàng khởi nghiệp khi có ý tưởng mới mẻ
Ông Hoàng Đình Nam, Phó giám đốc U&I Logistics Miền Bắc cho rằng, đối với những start up, nên đặt ra một “Ambition” (khát vọng) đủ lớn, đủ mới mẻ
Điều này sẽ thu hút được những nhân tài, đồng thời khiến người đi trước phải suy nghĩ, nhảy vào hỗ trợ. Từ đó cơ hội thành công sẽ lớn hơn.
Theo ông Nam, khi có được mục tiêu, cần xây dựng một môi trường để nhân viên phát triển, thỏa mãn cá tính của mình.
Dẫn chứng từ câu chuyện của công ty, ông Nam cho biết, đối với các doanh nghiệp logistic, vấn đề nan giải nhất là tuyển dụng được một kỹ sư công nghệ giỏi và trung thành với công ty. Nhưng đặc tính của những người này thường sẽ muốn làm những việc lớn, như kiểu thay đổi thế giới nên rất khó giữ chân.
Cách đây mấy năm, để thuyết phục được một kỹ sư công nghệ đầu quân, U&I đã thành lập riêng một công ty công nghệ và cho phép kỹ sư đó được thử sức với dự án do chính mình đề xuất. Công ty chấp nhận mọi tình huống, kể cả trường hợp thua lỗ.
“Khi dự án thất bại, mình đã nói với bạn đó rằng, thay vì chúng ta nghĩ ra một phần mềm thay đổi cả thế giới, hãy nghĩ đến một phần mềm thay đổi một công ty để công ty đó thay đổi một ngành nghề. Cuối cùng, kỹ sư đó đồng ý, và làm việc toàn tâm, toàn ý với công ty, xây dựng một phần mềm giúp U&I trở thành một công ty logistic lớn nhất miền Bắc”, ông Nam chia sẻ.
Cơ hội cho sinh viên người trẻ trong ngành logistics hiện đang rất lớn
Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, để khởi nghiệp trong ngành logistics không nhất thiết phải học chuyên ngành này. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, sinh viên cần có sự chuẩn bị, và trải nghiệm trong công việc logistic.
Bà Phạm Thị Thúy Hà, Giám đốc chi nhánh Hải Phòng, Công ty Dolphin Sea Air Services cho rằng, ngoài đam mê, các sinh viên cần chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng, thích nghi được trong các môi trường. Đặc biệt, là tinh thần nỗ lực vượt khó và dám nghĩ, dám làm.
Theo bà Nhâm Thị Lương, Giám đốc Công ty Nam Phương, ngay từ trên ghế nhà trường, các sinh viên cần xây dựng được một phong cách làm việc “em của ngày hôm nay, phải khác ngày hôm qua”, cần phải trau dồi đồng thời kiến thức và kỹ năng để tốt lên từng ngày.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, một vấn đề quan trọng đối với người khởi nghiệp là vượt qua tâm lý thất bại. Ở nước ngoài, họ luôn chuẩn bị sẵn một tâm thế, thất bại là chuyện bình thường. Còn với Việt Nam, khi thất bại dễ chán nản, bỏ cuộc, và nhất là chịu sức ép từ gia đình, bạn bè. Do đó, người khởi nghiệp phải là người biết chấp nhận mọi thất bại.
PGS.TS Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Đại học Hàng hải cho rằng, để chương khởi nghiệp trong nhà trường lan tỏa, cần có một cơ chế để khuyến khích các em chủ động tham gia đóng góp các sáng kiến, ý tưởng.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách phù hợp để những ý tưởng của sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn nếu có khả thi, xây dựng cơ chế hợp tác, đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với việc được đào tạo bài bản về logistics, các bạn trẻ sẽ là những người đưa ngành logistics phát triển hơn nữa, xây dựng được những doanh nghiệp logistic lớn, có tầm cỡ. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Mạng lưới đào tạo Logistics Việt Nam, và các trường đại học tổ chức các hội thảo, chương trình tìm kiếm tài năng trẻ Logistics 2020 để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong ngành logistics phát triển mạnh.