Chọn phương án ở lại không về vào dịp Lễ 30/4
Thiên Mai (trường ĐH Văn Hiến) và Kiều Trang (ĐH Kinh tế TP. HCM) hiện tại đều đang là sinh viên năm thứ ba. Đôi bạn thân thiết đến từ TP. Kon Tum (tỉnh Kom Tum).
Do diện tích giới hạn của sân bay Pleiku, quê của Mai và Trang là nơi mà các hãng máy bay chỉ giới hạn 1 - 2 chuyến/ngày, với điểm xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM. Thêm nữa, càng sát ngày, giá vé càng có xu hướng tăng cao. Vậy nên, nếu không săn vé sớm, cơ hội về bằng máy bay coi như bằng 0. Hiểu được điều đó, trước khi chưa có quyết định nghỉ lễ chính thức, hai bạn trẻ sớm quyết định ở lại Sài Gòn.
“Đặt sát lễ là sẽ hết vé rẻ nên thường có dự định về là mình phải đặt sớm, ít nhất gần một tháng thì mới đảm báo giá vé bay mình mong muốn. Hiện tại, sát ngày lễ như vậy, rồi giá tăng gần 1 triệu đồng so với năm ngoái, nghĩ đến đó thì mình khỏi về luôn”, Kiều Trang tâm sự.
Kiều Trang và Thiên Mai quyết định ở lại TP. HCM vào dịp Lễ 30/4 vì không tìm được vé giá rẻ. |
Thiên Mai cũng cho biết, dịp lễ lớn thì Sài Gòn cũng trở nên thoáng hơn ngày thường, do mọi người có xu hướng đi du lịch hoặc “trú ngụ trong nhà”, vậy nên tận hưởng dịp lễ ở đây trong những quán cà phê hoặc các địa điểm nổi tiếng của TP. HCM như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Công viên bờ sông Sài Gòn… bên bạn bè cũng là một cách “trải nghiệm tuyệt vời”.
Cùng trường hợp, Ngọc Châu (20 tuổi) là sinh viên của Học viện Ngoại giao cho biết, Châu sẽ không về nhà dịp Lễ 30/4 này, vì giá vé giá cao. Gia đình Châu ở Vũng Tàu nên phải trải qua một chặng bay và một chặng xe trung chuyển mới được về nhà. “Đường đi dài khiến mình mệt và tiền đi về rất tốn kém”, Ngọc Châu cho biết.
Nhiều bạn sinh viên học ở TP. HCM có quê ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... cũng lười về vì “giá vé bay đắt đỏ”. Thay vì vậy, các bạn lựa chọn săn vé bay dịp Hè sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Khảo sát trên website bán trực tuyến của các hãng hàng không cho chặng bay ngày 27/4, giá vé từ Hà Nội vào TP. HCM dao động mức giá gần 4 triệu đồng/lượt; ngược lại, giá vé từ TP. HCM ra Hà Nội ở mức gần 3 triệu đồng/lượt...
Càng gần dịp Lễ 30/4, giá vé máy bay các hãng càng tăng. |
Đi thăm họ hàng và đi du lịch ngắn ngày
Vậy nên, nhiều bạn trẻ có xu hướng lên lịch những chuyến du lịch gần trong "kỳ nghỉ vàng" kéo dài 5 ngày bên cạnh những người bạn hay người quen.
Kiều Oanh (18 tuổi, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ, đây là năm đầu tiên cô không ở cạnh gia đình dịp Lễ 30/4. “Quê mình ở Quảng Trị, đi về thì cũng sẽ tốn tiền và tốn thời gian lắm. Quan trọng nhất là mình không muốn phải trải qua cảm xúc lưu luyến sắp đi. Cứ mỗi lần vậy, mình đấu tranh với bản thân dữ lắm, cảm xúc cũng khó tả, vì về được có mấy ngày thôi lại buộc phải xa gia đình quay lại Sài Gòn”, Kiều Oanh bày tỏ.
Oanh quyết định dành thời gian bên họ hàng gần ở TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để vơi đi nỗi nhớ cha mẹ ở nơi xa, cũng là những giây phút nghỉ ngơi cho bản thân dịp Lễ 30/4, 1/5 này.
Nguyễn Tài (18 tuổi), hiện đang là sinh viên của trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM) cũng quyết định không về quê Đà Nẵng vào dịp Lễ 30/4 này. Thay vào đó, Tài chuẩn bị cho chuyến đi phượt cùng anh họ ở Phan Thiết (Bình Thuận). “Đây là chuyến đi phượt bằng xe máy và mình cũng sẽ ở lại chơi nhà bà con, nên kinh phí cũng rẻ thôi, tốn khoảng 500.000 đồng”, Tài cho biết.
Nguyễn Tài đã lên kế hoạch phượt cho mình trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 này. |
Còn Việt Trinh (20 tuổi, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), quê Phú Thọ, cùng bạn bè lựa chọn Vũng Tàu làm điểm đến cho dịp Lễ 30/4. Trinh chia sẻ, nhóm bạn đã lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm, chi phí rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng/người. Đây sẽ là khoảng thời gian để cô lấy lại sự cân bằng sau khoảng thời gian học tập và làm việc đầy căng thẳng.