Trong bản đề xuất của mình, nhóm sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai từ ĐH RMIT đã đưa ứng dụng của blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe vi mô nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cô sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính) và là trưởng nhóm dự thi Mai Hoàng Mỹ Hảo chia sẻ: “Chúng tôi đã áp dụng blockchain và hợp đồng thông minh để lưu trữ và xử lý tất cả dữ liệu quan trọng của bệnh nhân nhằm truy cập và theo dõi thông tin bệnh nhân, xác thực hồ sơ y tế từ bệnh viện, xác nhận danh tính và tình trạng tài chính của họ với các bên liên quan khác thông qua các nền tảng xác minh đa tầng, cũng như yêu cầu bồi thường bảo hiểm và báo số tiền chi trả tự động. Những tính năng này được thiết kế nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn giảm chi phí chăm sóc sức khỏe thông qua việc sử dụng công nghệ bảo hiểm vi mô”.
“Chỉ có 0,09% tiếp cận được với bảo hiểm y tế vi mô tại Việt Nam và tại các quốc gia khác trên thế giới con số này là dưới 30%. Vì vậy, chúng tôi nghĩ ra ý tưởng về ứng dụng HebiLife nhằm giúp nhóm có thu nhập thấp có thể tiếp cận với bảo hiểm sức khỏe vi mô tốt hơn”, Hảo giải thích thêm.
Học các ngành khác nhau gồm Kinh doanh, Công nghệ và Công nghệ thông tin, đội chiến thắng gồm các sinh viên: Huỳnh Minh Tuấn, Võ Trần Trường Duy, Mai Hoàng Mỹ Hảo, Bùi Đức Huy và Mai Hoàng Ngọc Hân.
Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Hồng Kông và thành viên Ban Tổ chức cuộc thi, ông Gabriel Chan cho biết, nhóm sinh viên RMIT đã trình bày một dự án chặt chẽ và thể hiện được trách nhiệm với xã hội.
Cô sinh viên ngành Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính) và là đồng sáng lập câu lạc bộ FinTech tại RMIT Mai Hoàng Ngọc Hân nhớ lại khoảng thời gian đầy thách thức mà cả nhóm phải làm việc cật lực để chuẩn bị sách trắng (bản thảo mô tả chi tiết về dự án trên nền tảng blockchain mà một công ty hay một nhóm nhà phát triển sẽ thực hiện) và bài thuyết trình trước ban giám khảo – đều là những chuyên gia về công nghệ.
“Phần khó nhất là cả nhóm chỉ có kiến thức cơ bản về blockchain nên khi được xướng danh là ba đội đứng đầu tại Việt Nam, tụi mình cảm thấy thật sự tự hào”, Hân nói. “Sau đó, cả nhóm đã phải thi đấu với 60 đội, không chỉ là các bạn sinh viên đồng trang lứa mà còn có cả những anh chị đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ, từ hơn 15 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi”.
Các thành viên trong nhóm đều xem việc tham gia cuộc thi là một trải nghiệm học và cơ hội giao lưu kết nối quốc tế vô cùng giá trị vì các bạn được tiếp cận với những tình huống thực tế trong ngành, cũng như phát triển thêm kỹ năng.
“Tụi mình có cơ hội giao lưu kết nối với nhiều chuyên gia trên khắp thế giới, những người vô cùng tài năng và đang điều hành công ty khởi nghiệp riêng về blockchain”, sinh viên ngành Công nghệ thông tin Bùi Đức Huy chia sẻ. “Tụi mình còn xây dựng và củng cố được sự tự tin và kỹ năng tranh luận để thực hiện dự án của nhóm tốt và dễ ứng dụng hơn, đồng thời nâng cao được cả kiến thức về công nghệ và tài chính liên quan tới blockchain”.
Quyền Chủ nhiệm bộ môn Tài chính - TS Nguyễn Thanh Bình và là cố vấn của đội dự thi cho biết, tích lũy kinh nghiệm quốc tế là cách tích cực để bồi đắp người học thông minh trong thế kỷ 21. “Tại RMIT, chúng tôi chú trọng đem đến những cơ hội học tập nhằm hỗ trợ sinh viên trong cuộc sống và công việc, giúp các bạn sẵn sàng cho một tương lai sẽ được định hình bởi những thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật số”, ông nói.
Năm nay là lần đầu tiên các đội đến từ Việt Nam tham dự Olympic Blockchain quốc tế thường niên. Đây là cuộc thi thu hút những chuyên gia blockchain và tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới, cùng nhau giải quyết các vấn đề thực tế.