Học 3,5 năm
Ngày 7/5/2021, trường ĐH Hoa Sen tổ chức ra mắt ngành Kinh tế thể thao và công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp đối tác.
Theo đó, Kinh tế Thể thao là ngành đầu tiên và duy nhất được trường ĐH Hoa Sen mở và tuyển sinh đào tạo bậc cử nhân trong năm nay. Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Thể thao cung cấp những kiến thức và phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại đồng thời rèn luyện thái độ nghề nghiệp để người học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế thể thao.
Sinh viên sẽ được đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn để hiểu về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại; biết về cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực kinh tế thể thao; vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao; phân tích nhu cầu của các bên liên quan bao gồm khách hàng, đối tác, nhà tài trợ, nhà cung cấp…; đánh giá cơ hội và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế thể thao; lập kế hoạch kinh doanh, quản lý các mô hình hoạt động kinh tế thể thao,…
Với chương trình đào tạo 3,5 năm và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh tế Thể thao có thể công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thể dục thể thao, trường học, trung tâm thể dục thể thao, câu lạc bộ thể dục thể thao…
Lần đầu tiên, trường đại học tuyển sinh ngành Kinh tế thể thao. |
TS. Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch, trường ĐH Hoa Sen cho biết, nhà trường chú trọng 3 hướng ngành Kinh tế thể thao trong chương trình đào tạo, bao gồm: Quản lý loại hình kinh doanh thể thao, quản lý chăm sóc sức khoẻ và quản trị truyền thông, Marketing thể thao. Trong các hoạt động thể dục thể thao ở Việt Nam, bài toán kinh tế luôn là một đòi hỏi hết sức cấp thiết.
Ngoài các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, nhà quản lý thể dục thể thao... thì rất cần một lực lượng nhân sự không nhỏ, đó là các chuyên gia kinh tế thể thao. Cho dù các trường Đại học của ngành thể dục thể thao đều có Khoa Quản lý thể dục thể thao nhưng về cơ bản mới chỉ cung cấp được các kiến thức về quản lý chuyên ngành chứ chưa thực sự là về kinh tế mang tính đặc thù của thể dục thể thao.
Vì vậy, chương trình học cử nhân Kinh tế thể thao của trường ĐH Hoa Sen sẽ đào tạo nên những chuyên gia kinh tế thể thao, là những người tính được các bài toán kinh tế trong thể thao. Đó là điều không dễ và nếu nói ở tầm vĩ mô thì lãnh đạo ngành thể dục thể thao cũng phải có tư duy về kinh tế cho các bài toán này, nhất là với những sự kiện thể dục thể thao quốc tế do Việt Nam đăng cai.
Chuyên nghiệp hóa thể thao
Theo ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP. HCM, cần phải có một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách chăm lo phát triển thể dục thể thao và cả kinh doanh thể dục thể thao. Trong đó, Nhà nước không trực tiếp kinh doanh mà giữ vai trò định hướng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, quản lý, giám sát, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh theo pháp luật.
Ông Lê Công Vinh - đồng sáng lập Học viện Bóng đá CV9 cũng chia sẻ, cùng với những giá trị về nhân văn và tính giáo dục, ông cũng đặt yếu tố kinh tế vào việc vận hành Học viện Bóng đá CV9. Trong khi đó tại Việt Nam, thể thao gần như chỉ sống bằng “bầu sữa” ngân sách; chỉ có một số môn như bóng đá đã chuyển sang thể thao chuyên nghiệp. Nền tảng cơ bản của thể thao chuyên nghiệp là môi trường hoạt động và thông qua môi trường của các giải đấu, sản phẩm và dịch vụ như lao động, du lịch, quảng cáo, truyền hình… cũng phát triển theo.
Mặc khác, tại các trường từ cấp tiểu học đến đại học đều đảm bảo chương trình giáo dục thể chất đạt tỉ lệ 100% nhưng thực tế, tỉ lệ tập thể thao thường xuyên chỉ chiếm 28,3%. Rõ ràng, để biến ngành thể thao trở thành một phần của nền kinh tế quốc dân thì ngoài khó khăn về nguồn ngân sách đầu tư, Việt Nam còn đối mặt với việc tìm kiếm, bồi dưỡng và đào tạo lớp thế hệ kế cận.
Nhiều doanh nghiệp cũng nhận định, văn hóa và thể thao là các ngành không sản xuất mà kết quả lao động lại là các dịch vụ nhằm đáp ứng việc duy trì và phục hồi sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần cho mỗi cá nhân. Ngoài ra, trong lĩnh vực thể dục thể thao còn có những cơ sở sản xuất ra các thiết bị thể thao, dụng cụ thể thao, quần áo, giày, găng tay, những sản phẩm tăng cường như thực phẩm chức năng, nước uống, sữa,…
Trên thế giới, các quốc gia có hoạt động kinh doanh thể thao nổi bật (Mỹ, Đức, Trung Quốc), bên cạnh kinh doanh thể thao nhà nghề còn có nhiều hình thức kinh doanh như: Du lịch thể thao hay thể thao lữ hành; Kinh doanh thể thao giải trí – sức khỏe; Kinh doanh dụng cụ thể thao; Kinh doanh môi giới thể thao; Kinh doanh truyền thông thể thao; Kinh doanh thời trang thể thao; Kinh doanh cá cược, Xổ số thể thao…