Tiếp cận phát triển xanh và bền vững giúp định hướng nền kinh tế bền vững giảm tác động tiêu cực lên môi trường, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, và tạo cơ hội kinh doanh mới từ các ngành công nghiệp xanh. Bên cạnh đó, phát triển xanh và bền vững còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường sức khỏe cộng đồng và giảm bất bình đẳng xã hội. Đồng thời, thông qua xu hướng này, quốc gia cũng trở nên cạnh tranh và thu hút đầu tư nguồn vốn xanh cho tăng trưởng bền vững. Đây là chìa khóa để xây dựng một tương lai phát triển toàn diện cho mọi quốc gia.
Ths Vũ Tuấn Anh (Chuyên gia chuyển đổi số - chuyển đổi xanh - khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo). |
Việt Nam đã thực hiện các cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh và bền vững. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và bền vững có nhiều cách tiếp cận. Trên thực tế các quốc gia thúc đẩy thông qua các trụ cột như sau. 1) Xây dựng hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh và bền vững. 2) Tăng cường thúc đẩy áp dụng công nghệ trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, vận tải và xây dựng. 3) Xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. 4) Thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công về phát triển xanh và bền vững. 5) Thúc đẩy năng lượng tái tạo và hạn chế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch. 6) Thúc đẩy đô thị và nông thôn thông minh xanh sạch và bền vững. 7) Thúc đẩy kiến tạo cộng đồng – xã hội có ý thức sống xanh, tiêu dùng xanh. 8) Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực xanh và bền vững.
Giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực xanh và bền vững rất quan trọng do thế hệ trẻ chính là những động lực quan trọng biến xanh và bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam. Thế hệ trẻ cũng chính là những người hưởng được nhiều lợi ích và giá trị từ tăng trưởng xanh và bền vững. Có lẽ Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng triển khai môn học phát triển xanh và tăng trưởng bền vững là bắt buộc trong tất cả các trường đại học và cơ sở giáo dục tại tất cả các cấp cho tới đại học. Các giá trị mang lại từ chương trình đào tạo cho thế hệ trẻ cụ thể trong năm phạm vi như sau:
Tạo xã hội và cộng đồng có ý thức bền vững: Đối mặt với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên, phát triển cộng đồng - xã hội có ý thức bền vững rất quan trọng vì họ sẽ thực hiện ba chức năng chính như sau: 01- tầng lớp tiêu dùng bền vững; 02- thúc đẩy các chương trình hành động bền vững; 03 – thực hiện giám sát toàn dân về vi phạm bền vững và tăng trưởng xanh xã hội. Mục tiêu này nhằm đảm bảo toàn dân chấp hành và thực thi nghiêm túc các chương trình và hành động liên quan tới bền vững.
Đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội: Xã hội đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững và môi trường. Do đó, đưa môn học về phát triển bền vững vào giáo dục đại học giúp đáp ứng nhu cầu của xã hội và cung cấp cho nhân lực tương lai kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với thách thức của hiện tại và tương lai. Trên thực tế, doanh nghiệp và xã hội mong muốn áp dụng phát triển xanh và bền vững nhưng không biết thực hiện như thế nào và cần làm gì. Các chương trình đào tạo sẽ giúp cho toàn xã hội hiểu rõ thực hiện xanh và bền vững cụ thể thông qua những vấn đề gì.
Ths Vũ Tuấn Anh chia sẻ tại một hội thảo. |
Thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới và áp dụng khoa học công nghệ: Môn học về phát triển bền vững và phát triển xanh thường được giảng dạy thông qua các dự án hoặc hoạt động học tập kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Thông qua các hoạt động này sẽ khuyến khích sinh viên nghiên cứu, sáng tạo đổi mới và sử dụng công nghệ giải quyết bài toán kinh doanh, cuộc sống đáp ứng ba mục tiêu lợi nhuận, con người và bền vững. Cuối cùng, xanh và bền vững sẽ là những mục tiêu phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Kết hợp chương trình đào tạo này với hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tạo ra những startup xanh đáp ứng với xu hướng của thế giới.
Phát triển kỹ năng tri thức và tâm thế xanh / bền vững cho việc làm xanh: Đào tạo phát triển xanh và bền vững giúp người học có được các kỹ năng xanh, tri thức xanh và tâm thế xanh cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề thách thức. Các bạn sinh viên cần biết về kinh tế tuần hoàn, mô hình tăng trưởng bền vững để làm nền tảng cho nhân lực xanh toàn cầu. Đưa môn học về phát triển xanh bền vững vào giáo dục đại học giúp sinh viên trở thành ứng viên hấp dẫn trên thị trường lao động và việc làm xanh.
Tiêu dùng xanh và bền vững: Thế hệ Z ngày càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực tiêu dùng. Thấu hiểu những hậu quả và ảnh hưởng tới môi trường sẽ giúp thế hệ Z định hình lại các sản phẩm và dịch vụ tuân thủ theo tiêu chuẩn xanh và bền vững. Chính họ - người tiêu dùng xanh sẽ là lực đẩy quyết định mọi sản phẩm và dịch vụ trở nên xanh hơn, sạch hơn. Cộng đồng tiêu dùng xanh và bền vững chính là chốt chặn chính yếu nhất bắt buộc các doanh nghiệp phải đưa các sản phẩm phù hợp ra thị trường nếu như không muốn nhận sự phản đối từ người tiêu dùng thế hệ Z.
Tóm lại, đưa môn học về phát triển bền vững và xanh vào giáo dục đại học là cần thiết để kiến tạo ra xã hội – cộng đồng. Chính xã hội và cộng đồng này là những động lực kiến tạo sản phẩm và dịch vụ xanh. Đồng thời họ cũng là những người tiêu dùng và sử dụng chúng. Không có cộng đồng này, Việt Nam không thể có được một quốc gia xanh sạch bền vững. Khẩu hiệu Xanh – Sạch – Bền Vững của thế hệ trẻ, do thế hệ trẻ, vì thế hệ trẻ sẽ được thúc đẩy và nhân rộng bền vững trong cả dân tộc Việt Nam thông qua chương trình phổ cập đào tạo tại tất cả đại học.