Công việc thiện nguyện đến với Đỗ Khắc Huy một cách tình cờ nhưng đầy ý nghĩa. Trong quá trình tìm hiểu về Làng trẻ em SOS Hà Nội, anh bắt gặp một bài báo viết về nhóm bạn trẻ giảng dạy tình nguyện tại đây. Sự nhiệt huyết và ý nghĩa của hoạt động này ngay lập tức thu hút, thôi thúc Huy tìm hiểu và gia nhập Câu lạc bộ Ngày mai tươi sáng ACE. Huy tâm sự: “Mình luôn muốn góp sức giúp đỡ người khác, dù đó là những hoàn cảnh khó khăn hay chỉ đơn giản là một bác trung niên đang bối rối trước những đổi mới của công nghệ.”
Đối với Khắc Huy, thiện nguyện không chỉ là hành động sẻ chia, mà còn là cơ hội để chữa lành và bồi đắp bản thân mình. |
Với mỗi người, việc tham gia dạy học tình nguyện mang những ý nghĩa tốt đẹp khác nhau. Có người xem đây là cơ hội để thỏa đam mê giúp đỡ cộng đồng, có người lại coi đó là cách để trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng, chuẩn bị hành trang trở thành những thầy cô giáo giỏi trong tương lai. Đối với Đỗ Khắc Huy, một người không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, hoạt động này mang lại giá trị đặc biệt: giúp anh cân bằng lại cuộc sống. Huy bộc bạch: “Ai trong chúng ta cũng đang phải đối mặt với vô vàn áp lực – từ công việc, gia đình, học tập, hay thậm chí là áp lực từ chính bản thân. Đôi khi, những guồng quay ấy cuốn chúng ta đi quá xa, để rồi khi nhìn lại, ta nhận ra mình đã lạc khỏi cuộc sống mà mình thực sự mong muốn.”
Với Huy, việc dạy học tình nguyện giống như một chiếc mỏ neo, kéo anh trở về với chính mình. Nó không chỉ giúp anh làm điều mình yêu thích, mà còn cân bằng lại cảm xúc, từ đó tiếp thêm sức mạnh để đối mặt với những thách thức của cuộc sống thường nhật. |
Trong hành trình hoạt động tình nguyện, Đỗ Khắc Huy đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng có lẽ đặc biệt nhất chính là lần đầu tiên anh nhận được tấm thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ học sinh của mình. Huy chia sẻ, ban đầu anh không hề mong đợi điều gì, bởi với anh, ngày 20/11 vốn dĩ là dịp để tri ân các thầy cô đã dạy dỗ mình. Chính vì thế, khoảnh khắc cầm trên tay tấm thiệp từ học sinh, anh không khỏi bất ngờ và xúc động. Tấm thiệp ấy không chỉ đơn thuần là lời chúc mừng mà còn mang dấu ấn đặc biệt. Học sinh của anh – một bạn trẻ yêu thích hội họa, đã tự tay vẽ một nhân vật lấy cảm hứng từ chính tính cách của Huy. “Điều đó khiến mình rất tự hào,” Huy tâm sự, bởi với anh, đó là sự công nhận chân thành từ học trò – một món quà ý nghĩa không gì sánh bằng.
Món quà giản dị nhưng chứa đựng tấm lòng biết ơn chân thành của học trò dành cho Huy. |
Khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong hành trình hoạt động tình nguyện. Huy kể lại, học sinh của anh khi đó không có năng khiếu với môn học anh giảng dạy, trong khi bản thân Huy cũng không được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm. Cả hai thầy trò phải vật lộn để tìm ra phương pháp phù hợp. Huy đã thử nhiều cách khác nhau, thay đổi phương pháp giảng dạy để tạo sự mới mẻ và hứng thú, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. “Thời điểm đó, mình thực sự nghi ngờ năng lực của bản thân và đã nghĩ đến việc bỏ cuộc,” Huy chia sẻ.
Giữa lúc tuyệt vọng nhất, một bộ phim đã mang đến cho anh nguồn cảm hứng bất ngờ. Bộ phim Hacksaw Ridge (Người hùng không súng), dựa trên câu chuyện có thật về Desmond Doss – một quân y người Mỹ, đã khiến Huy thay đổi cách nhìn nhận về thử thách và sự kiên trì. Doss, với niềm tin mãnh liệt, từ chối cầm súng nhưng quyết tâm ra trận để cứu đồng đội. Trong trận chiến ác liệt tại đỉnh Hacksaw, khi quân đội Mỹ rút lui, ông đã tình nguyện ở lại để cứu thương binh, từng người một, dù bản thân cũng bị thương nghiêm trọng.
Mỗi lần kiệt sức, ông lại thầm cầu nguyện: “Xin Chúa, hãy giúp con cứu thêm một người nữa thôi.” Với lòng kiên định, Doss đã cứu được 75 người. |
Câu chuyện đó đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Huy. “Mình nghĩ, có lẽ mình cũng sẽ thử một điều tương tự – dạy thêm một buổi nữa thôi,” Huy nhớ lại. Và thế là buổi học này nối tiếp buổi học khác, từng bước vượt qua những áp lực và hoài nghi. Khi nhìn lại, Huy nhận ra mình đã gắn bó với hành trình dạy học tình nguyện được ba năm – một chặng đường đầy ý nghĩa, khởi nguồn từ lòng kiên trì và quyết tâm không từ bỏ.
Không chỉ đi dạy học miễn phí cho các bạn trẻ nhỏ tại Làng trẻ SOS, Khắc Huy cũng tham gia tổ chức Tết Trung Thu cho các em nhỏ tại Xóm Phao. Cảm xúc đầu tiên có lẽ là tự hào. "Thực sự thì ngày hôm đó, đội mình đã gặp không ít khó khăn, nhưng mọi người đều đồng lòng vượt qua tất cả và mang đến một chương trình rất ý nghĩa cho các em nhỏ tại đây. Nghe những tiếng cười giòn tan của các bé, nhìn những gương mặt vui tươi của bố mẹ các em, tụi mình cảm thấy những công sức bỏ ra suốt cả tháng trời vừa rồi thật xứng đáng" - Huy bộc bạch.
Nguyễn Khắc Huy cùng tổ chức Tết Trung Thu cho các em nhỏ tại Xóm Phao. |
Điều đầu tiên mà Đỗ Khắc Huy cảm nhận được sau hành trình tình nguyện là sự trưởng thành. Huy học được cách lắng nghe, ngay cả khi hành động của người khác khiến mình khó chịu. Huy nhận ra mỗi người đều có câu chuyện riêng, và nếu hiểu được câu chuyện đó, ta sẽ hiểu được hành động của họ. “Chỉ vì không đồng tình không có nghĩa là không thể cảm thông,” Huy cho biết. Ngay cả một đứa trẻ nghịch ngợm đôi khi cũng chỉ là muốn tìm kiếm sự quan tâm.
Điều thứ hai Huy học được là sự kiên nhẫn. “Kết quả không phải lúc nào cũng đến ngay lập tức, thậm chí là sau vài tháng,” Huy nói. Cũng có lúc Huy muốn bỏ cuộc vì không thấy kết quả rõ ràng, nhưng Huy chấp nhận và tin rằng không ai chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc khi gặp khó khăn. “Chỉ cần vẫn tiếp tục bước đi, dù có thể không đạt được mục tiêu ban đầu, nhưng chắc chắn ta sẽ đến một nơi tốt hơn so với lúc bắt đầu.”
Khi bản thân muốn dừng lại hãy nhớ đến khoảnh khắc khiến mình bắt đầu… |
Thật ra, để đưa ra lời khuyên cho những người trẻ, Huy cảm thấy mình chưa đủ và còn đang học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu phải chia sẻ một điều gì đó từ trải nghiệm của bản thân, Huy chia sẻ: “Cứ làm đi.” Đôi khi, Huy cũng lo lắng, e ngại về những điều có thể xảy ra, tự hỏi nếu chuyện này xảy ra thì sao, nếu chuyện kia thì thế nào. Thật ra, nếu nói về những rủi ro hay khó khăn có thể phát sinh từ mỗi quyết định, thì chẳng bao giờ hết được. Thế nên, thay vì lo sợ về những điều chưa xảy ra, hãy cứ làm đi, đối mặt với những gì đến. Có thể mọi chuyện không đi đến đâu, nhưng ít nhất mình không phải mất thời gian vào những suy nghĩ "nếu như" hay "giá như."
"Lý tưởng sống có lẽ là một khái niệm lớn lao, nhưng đối với mình, chỉ đơn giản là trở thành một người bình thường, sống một cuộc đời bình dị và tử tế. Huy rất thích câu nói của Khổng Tử: “Khi ta sinh ra, mọi người cười, còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta ra đi, mọi người khóc, còn ta thì cười.” Đó là lẽ sống mà Huy luôn tâm niệm. Huy nhận ra rằng, bản thân nhận được nhiều điều khi đi dạy miễn phí hay tình nguyện. Chính những tình cảm chân thành và sự trưởng thành của các em là phần thưởng quý giá nhất" - Huy trải lòng.