Bạn Hàng A Sử, sinh viên trường Đại học Thương mại.
Bạn Hàng A Sử, sinh viên trường Đại học Thương mại chia sẻ: “Mình là người miền núi nên ngay từ khi còn nhỏ đã sống trong khí hậu mát mẻ. Đi học xa nhà phải làm quen với thời tiết nóng nực của Hà Nội là một điều khó khăn đối với mình. Phòng mình nhỏ, chỉ vỏn vẹn 15 mét vuông lại ở tầng 4, bên trên là mái tôn nên luôn được “thiên nhiên ưu ái nhất”. Gia đình mình rất khó khăn nên không đủ điều kiện thuê một căn phòng có điều hòa, mà nếu có mình cũng không dám bật vì giá điện quá cao.
Những ngày vừa qua không khí trong phòng không khác gì lò hơi. Ban ngày mình phải dậy sớm tranh thủ học, nếu thời tiết khó chịu quá mình phải đem sách vở ra quán nước ngồi tránh nóng. Đêm nóng quá không ngủ được mình phải chế quạt hơi nước để giảm bớt nhiệt độ phòng. Có những đêm mình chỉ ngủ được 2-3 tiếng".
Nắng gắt từ sáng sớm, mới 7 giờ sáng mà mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Tối muộn không khí vẫn hầm hập do hơi nóng tỏa ra từ bê tông. Ban ngày đi học, đi làm thêm, tối về, sinh viên ở trọ tiếp tục đối diện với cái nóng như lò hơi tại phòng. Rất nhiều sinh viên kêu ca về việc mất ngủ do quá nóng.
“Hà Nội chưa bao giờ nắng nóng như đợt vừa rồi. Mình không có điều kiện thuê trọ ngoài nên phải xin vào ở ký túc xá của trường cho tiết kiệm. Đúng là tiền trọ ít hơn nhiều so với việc ra ở ngoài, nhưng mùa đông thì không có bình nước nóng, mùa hè thì không có điều hòa. Mấy ngày vừa rồi 6 bọn mình ở trong phòng vừa chật, vừa bí, đêm đến mở hết cửa ra cho thoáng mà vẫn không thể ngủ nổi. Ai có người nhà ở Hà Nội thì sang ngủ nhờ, còn mình thì không muốn về phòng luôn.” Bạn Hoàng Thị Xuyến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền than vãn.
Tìm đủ mọi cách để giảm nhiệt độ phòng
Để khắc phục phần nào tình trạng nắng nóng mà không có điều hòa, sinh viên đã làm mọi cách để cho phòng trọ mát mẻ hơn.
Đồ ăn nhanh là sự lựa chọn sáng suốt trong ngày hè nóng bức.
Dù có bếp nấu, nhưng thay vì việc châm lửa thổi cơm như mọi khi thì sinh viên đã chuyển sang “chế độ order”, gọi cơm ship, bánh mì hoặc ăn mì gói để tránh việc nấu nướng.
Lau nhà thường xuyên giúp sàn nhà giảm nhiệt cũng là một cách vừa tiết kiệm vừa hiệu quả của các bạn sinh viên.
Những chiêu thức giúp giảm nhiệt độ phòng vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm
Bạn cũng có thể chống nóng cho phòng trọ của mình bằng cách đặt một chậu nước lạnh trước quạt. Sử dụng cách này sẽ giúp hơi nước tỏa ra khắp phòng một cách nhanh chóng, giúp cho căn phòng trở nên mát mẻ, dễ chịu hơn.
Thời tiết nắng nóng là thế nhưng các bạn sinh viên cũng chỉ dám sử dụng chiếc quạt điện để xua đi phần nào cảm giác nóng bức. Phần vì không có điều hòa, phần vì tiết kiệm điện. “Chỉ riêng việc bật quạt và điện thắp sáng trong phòng cũng tốn vài trăm nghìn đồng rồi, nói gì đến bật điều hòa.” Bạn Dư Thành Long, sinh viên trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải tâm sự.
Ngoài ra, phun nước lên mái nhà cũng là một cách giúp nhiệt độ trong phòng hạ xuống đáng kể.
Biết rằng khi đi học về, hơi nóng trong phòng sẽ là nỗi ám ảnh đối với hầu hết các bạn sinh viên ở trọ. Chủ động ăn uống bên ngoài, hay đến các quán cà phê, quán nước để sử dụng “ké” điều hòa cũng là cách tránh nóng tiết kiệm mà hiệu quả.
Bên cạnh những cách chống nóng cho phòng trọ kể trên, uống nhiều nước, bổ sung các chất khoáng, tránh sử dụng bia, rượu,... là cách giảm nhiệt từ bên trong vừa hiệu quả vừa tốt cho sức khỏe.
Với những cách chống nóng trên, các bạn sinh viên ở trọ không có điều hòa có thể lựa chọn cho mình một vài cách phù hợp nhất để “dễ dàng sống sót” qua mùa hè này.