'Lấy tự học làm cốt yếu'
Chia sẻ về cảm xúc khi trở thành tân Quán quân của Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh "Tầm nhìn xuyên thế kỷ" năm nay, Hoài Khanh cho biết, anh vô cùng bất ngờ và tự hào vì chưa bao giờ nghĩ mình có thể đạt danh hiệu cao nhất.
Kể thêm về cơ duyên đến với Hội thi, Hoài Khanh cho biết: "Trường mình có truyền thống tham gia các cuộc thi nên mình tham gia nhiệt tình lắm. Đặc biệt là có thêm sự đồng hành của chị Đỗ Thị Thanh Trúc, mình rất biết ơn sự chỉ dẫn cũng như sự đồng hành của chị với mình trong suốt quá trình tham gia cuộc thi”. Đỗ Thị Thanh Trúc cũng là thí sinh giành giải Nhì trong Hội thi năm nay.
Trương Văn Hoài Khanh (bên trái) là Quán quân của cuộc thi năm nay. (Ảnh: NVCC) |
Đến với Hội thi năm nay, Khanh nghĩ đó không chỉ là hành trình một năm đầu tiên học đại học mà đó là một hành trình dài được hun đúc của tình yêu sử Việt, tình yêu lịch sử Cách mạng. Khanh đặc biệt tự hào về hành trình từ Quán quân Hội thi “Tự hào sử Việt” đến Quán quân Hội thi “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” của mình. Với Hoài Khanh, Hội thi năm nay có nhiều đổi mới trong thể lệ. Hội thi không chỉ yêu cầu cao ở kiến thức mà còn đánh giá thí sinh ở việc vận dụng các kiến thức vào cuộc sống, chia sẻ góc nhìn và vận dụng để giải quyết vấn đề, từ đó truyền cảm hứng đến các bạn trẻ.
Trong suốt quá trình tham gia Hội thi, Hoài Khanh gặp một số thách thức nhưng với anh, đó lại là động lực, là cơ hội để anh có nhiều bài học, kinh nghiệm. Các môn khoa học Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có 5 bộ môn nhưng vì là sinh viên năm thứ nhất nên Khanh chưa có cơ hội được tiếp xúc hết với các môn này. Điều đó khiến Khanh càng cố gắng tự tìm hiểu và dần hình thành khả năng tự học.
Thay đổi kịch bản vào phút cuối
Hội thi đã để lại cho Khanh nhiều niềm vui và hạnh phúc, kỷ niệm khiến Khanh nhớ nhất là dạng đề mở tại phần thi Cảm hứng khoa học. Hoài Khanh tâm sự: “Tại phần thi Cảm hứng khoa học, mình có 5 phút để trình bày. Kịch bản ban đầu khiến mình chưa tự tin vì nó thực sự chưa truyền cảm hứng và chưa tạo cho mình cảm xúc khi trình bày. Mình quyết định thay đổi kịch bản trong đêm hôm trước ngày thi. Tại đêm Chung kết, mình đã trình bày những câu chuyện với chủ đề “Những lá thư vọng về”. Đó là những lá thư của Bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gửi thế hệ thanh niên Thành phố sau ngày giải phóng, là cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm hay những bức di thư gửi từ Thành cổ Quảng Trị..”. Hoài Khanh nhận thấy, chính việc Hội thi ra đề mở như thế khiến sinh viên càng thêm thích thú, muốn tìm hiểu thêm về môn khoa học này.
Hoài Khanh có phần thể hiện xuất sắc trong đêm Chung kết với câu chuyện “3 có”. (Ảnh: NVCC) |
Hành trình với Hội thi là một hành trình tuyệt vời, với tân Quán quân, Khanh chấp nhận dành thời gian để nghiên cứu, đầu tư chất xám cho những phần trình bày trên sân khấu, tạo nên những video kỳ công… để nhận lại được những bài học, hiểu bản thân đang làm gì và nhận được những người bạn có niềm yêu thích giống mình.
"Tuổi trẻ có nhiều chông chênh, mất phương hướng, chính những môn học này sẽ định hướng bạn, bởi lẽ những môn học này giúp chúng ta có 3 điều quan trọng: Có kế thừa, có kiến thức và có la bàn", Hoài Khanh chia sẻ.
Hoài Khanh tự hào: “Đó là những gì mà mình “lời” sau cuộc thi. Danh hiệu Quán quân là một danh hiệu lớn trong cuộc đời sinh viên của mình, cung cấp cho mình nền tảng lý luận rất đáng quý. Với cộng đồng, Khanh muốn lan tỏa tình yêu này đến mọi người, Khanh nghĩ mình phải là một tấm gương để khuyến khích niềm yêu thích với các môn khoa học này trong chính ngôi trường Khanh đang học.
Là thành viên của CLB Lý luận trẻ, trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM), nam sinh viên nghĩ mình càng phải thực hiện trách nhiệm và phát huy sứ mệnh của danh hiệu này. Đồng thời, cần trang bị kiến thức, bản lĩnh để có thể tham gia phản biện xã hội thông qua việc vận dụng các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để thể hiện góc nhìn trên mạng xã hội.