Sau khi ghi nhận nhiều phản ánh về hình thức này, PV đã trực tiếp tìm hiểu, tham gia vào các bước mà những kẻ lừa đảo chỉ dẫn để làm rõ cách thức và hành vi của chúng. Bất ngờ là đến phút cuối, chính kẻ lừa đảo này đã thú nhận và cung cấp nhiều thông tin bất ngờ.
Thay áo cho “con bài” cũ
Lướt tìm trên các hội nhóm về việc làm trên facebook, không khó để thấy các tin tuyển dụng mập mờ công việc nhưng lương cao, nhận tiền ngay trong ngày. Thậm chí các đối tượng lừa đảo ngang nhiên lập các fanpage mạo danh các thương hiệu lớn rồi chạy quảng cáo với những công việc hấp dẫn.
Quảng cáo tuyển dụng lừa đảo trên facebook mạo danh ứng dụng nghe nhạc Zing mp3. |
Quốc Vương (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ rằng bạn thường nhìn thấy những quảng cáo tương tự khi lướt mạng xã hội. Thậm chí đã có lần, một người tự xưng là nhân viên Đài truyền hình Việt Nam gọi đến cho Vương để nói về công việc xem video kiếm tiền. Vì thường xuyên cập nhật tin tức báo chí nên bạn trẻ này nhận ra ngay đây là chiêu trò lừa đảo.
Thế nhưng, có rất nhiều người không tỉnh táo như Vương. Khi truy cập vào quảng cáo, lập tức sẽ có một người tự xưng là nhân viên bên bộ phận tuyển dụng của công ty X. Và tất nhiên, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh một công ty có thật tại Việt Nam để củng cố niềm tin cho các “con mồi”. Sau khi lấy thông tin cơ bản của những người muốn tham gia cũng đồng nghĩa với việc xác định khả năng kinh tế của những người nhẹ dạ cả tin, ngay lập tức nhân viên giả này yêu cầu người tham gia chuyển sang nền tảng Telegram để tiếp tục công việc. Đây cũng là đặc điểm chung của nhiều chiêu trò lừa lọc, bởi trên nền tảng Telegram, mọi thứ là “bất kiểm soát, kiểm duyệt”.
Khi dùng Telegram, các đối tượng sẽ thoải mái gửi các đường link dẫn tới website giả mạo. |
Sau khi tạo tài khoản Telegram, một tài khoản có hình nền là nữ chủ động nhắn tin, đặc điểm chung của các tài khoản giả mạo là thường dùng hình ảnh các cô gái trẻ để lấy niềm tin, giảm độ cảnh giác của người tham gia. Thêm một lần nữa, các “con mồi” lại phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Nhiệm vụ bắt đầu được giao, người tham gia sẽ được thêm vào một group có tên “Nhiệm vụ 6666 ZingMP3”. Tất nhiên trong nhóm này, bạn chỉ có thể xem chứ không thể nhắn tin hay tương tác với những người khác, điều này để đề phòng những người bị lừa sẽ thông báo cho những người còn lại. Tại đây, các “con mồi” sẽ nhận được các nhiệm vụ nghe nhạc. Cách 5 đến 7 phút, sẽ có một đường link nghe nhạc được đưa ra. Các đối tượng yêu cầu nghe tối thiểu 30 giây, sau đó sẽ chụp ảnh màn hình và gửi cho “chuyên viên” mà bạn nhắn tin lúc đầu.
Không gấp gáp, người tham gia sẽ mất thời gian chờ các “nhiệm vụ” ảo mà các đối tượng này đưa ra: nghe nhạc và báo cáo. Sau mỗi lần, chuyên viên ảo sẽ xác nhận bạn hoàn thành. Điều này để người chơi có cảm giác như họ đang làm việc thật. Và trong nhóm “6666’ kia, liên tục có những lời động viên, thông báo mức lương hấp dẫn mà “con mồi” được nhận.
Và đáng chú ý, những kẻ đứng sau luôn nhắc về một thứ gọi là “nhiệm vụ đối tác nhập dữ liệu”. Đây chính là yếu tố chủ chốt để dụ những người tham gia vào “con bài” cũ giống hệt các hình thức như “xác nhận đơn hàng, CTV sàn thương mại”. Đợi các “con mồi” gần hoàn thành nhiệm vụ nghe nhạc, kẻ lừa đảo sẽ gửi thông báo về “nhiệm vụ dữ liệu”, bạn phải hoàn thành thì mới nhận được tiền lương, nạp càng nhiều thì mức hoa hồng càng lớn.
Kẻ lừa đảo bắt đầu dụ dỗ người tham gia sang nhiệm vụ khác. |
Đến đây, người tỉnh táo có lẽ sẽ nhận ra sự bất thường và dừng lại. Nhưng bởi lẽ một phần tiếc thời gian và công sức bỏ ra để “nghe nhạc”, nhiều người đã nạp tiền và chấp nhận làm theo nhiệm vụ gọi là “Nhập dữ liệu”. Để tạo dựng niềm tin, chuyên viên giả ngay lập tức tạo ra một bản hợp đồng “ma” với nội dung “Hợp đồng bảo hiểm” để các “con mồi” yên tâm nạp tiền.
Thật bất ngờ, trong nhóm “6666” kia có hơn 6000 người tham gia và số người online là hơn 300 người. Những số tiền chuyển cho những kẻ lừa đảo liên tục cập nhật trong nhóm như thúc giục những người khác tạo tài khoản. Sau khi tạo tài khoản trên trang web mà các đối tượng yêu cầu, người tham gia sẽ phải làm theo những yêu cầu, những “lệnh” mà chuyên viên ảo nói.
Giao diện trang web lừa đảo với các trò cờ bạc. |
Sau khi làm theo, một khoản lợi nhuận nhỏ (cả gốc lẫn hoa hồng) ngay lập tức về tài khoản. Nhanh và dễ dàng, tiền về ngay lập tức làm người tham gia quên mất nhiệm vụ chính của mình là nghe nhạc kiếm tiền.
Yêu cầu nạp tiền, nhận hoa hồng của đối tượng lừa đảo. |
Và từ nạp 100 ngàn đồng, các mức tiếp theo sẽ là 300, 500, 1 triệu, 5 triệu…và căn cứ vào điều kiện kinh tế của “con mồi” đến đâu chúng sẽ giăng bẫy đến đấy. Để tạo niềm tin, chúng còn chủ động cho các nạn nhân vay tiền, và dĩ nhiên là tiền ảo nạp vào hệ thống. Lấy được niềm tin, các con mồi cuốn theo lợi nhuận rồi cái kết là mất hết.
Liên tục những tin nhắn chuyển tiền đến tài khoản của đối tượng lừa đảo, từ 100 ngàn đến 5 triệu đồng. Mỗi ngày chúng lại thay đổi tài khoản ngân hàng khác. |
Hơn 300 người online trong nhóm và các thông báo nạp tiền được cập nhật liên tục, trong một ngày và chỉ trong nhóm “6666” hàng trăm triệu được chuyển về tài khoản của kẻ lừa đảo và chắc chắn những kẻ này không chỉ có 1 nhóm mà nhiều nhóm tương tự.
Lật mặt
Khi PV chủ động bóc trần thủ đoạn của kẻ lừa đảo, lúc đầu, hắn vẫn chối bỏ. Tuy nhiên khi nắm các thông tin của các đối tượng lừa đảo thường là những người sang Campuchia lao động, đánh vào yếu tố tâm lý của đối tượng lừa đảo, cuối cùng người này cũng lộ mặt.
Kẻ lừa đảo là nam giả nữ, tự thú nhận được thuê để lừa đảo. |
Vừa tròn 20 tuổi, đối tượng khai được hứa trả 18 triệu đồng/tháng để làm các công việc lừa đảo. Hắn khẳng định rằng đã biết trước công việc là lừa đảo và nhiều người cũng vậy, vì lợi nhuận nên những kẻ này nhắm mắt làm ngơ. Ở đất Campuchia, hắn ở trong một khu gồm nhiều công ty lừa đảo chủ yếu là lừa đảo qua mạng với các hình thức như cờ bạc, cá độ, tuyển dụng CTV sàn thương mại, giả mạo các tổ chức… Khi hỏi về điều kiện sống, đối tượng chia sẻ về điều kiện sống vô cùng khó khăn từ chỗ ăn, chỗ ngủ và bị kiểm soát 24/7.
Trong thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ việc người Việt vượt biên trốn thoát khỏi Campuchia mà báo chí đưa tin đã gióng lên hồi chuông về nạn lừa đảo buôn bán người. Những người này bị ép làm việc không công và công việc của họ là lừa chính những người đồng bào của mình. Các cơ quan chức năng đã vào việc nhưng thực tế chứng minh vẫn còn những người bất chấp qua Campuchia và một số nước khác để làm trái phép và đồng nghĩa với con số những người bị lừa trong nước vẫn tăng lên.
Theo các chuyên gia, để phòng chống tội phạm qua mạng, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin báo chí, học cách xác minh thông tin. Khi có việc liên quan đến những số tiền lớn cần hỏi ý kiến những người xung quanh hoặc những người có kiến thức… Khi gặp tình trạng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan gần nhất, càng sớm càng tốt để tự giúp mình và cũng là cảnh báo cho những người khác.