Vào ngày 11/8, tại trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP. HCM, 'NGUỒN Project' đã tổ chức thành công sự kiện “chạm.”, nhằm tôn vinh những giá trị lâu đời của nghệ thuật truyền thống gốm Việt. Sự kiện thu hút rất đông bạn trẻ tham dự với những trải nghiệm độc đáo.
Những trải nghiệm từ nhiều vai trò khác nhau
Ở sự kiện, người tham dự được hoá thân thành nghệ nhân, làm nên những chiếc bình, cái chén sắc màu và tô nặn hoa văn đậm chất Việt, với chi phí hợp lý. Để chuẩn bị cho trải nghiệm này, lực lượng cộng tác viên tích cực của ‘NGUỒN Project’ đã chịu khó đến xưởng gốm học hỏi quá trình các nghệ nhân làm việc, từ đó hướng dẫn cho khách tham dự sự kiện. Chính vì vậy, khi “chạm.” diễn ra, những “nghệ nhân" đã hào hứng ngồi hơn một giờ với đôi tay chạm vào cao lanh, đất sét để chăm chút, nâng niu từng chút cho tác phẩm gốm của mình, cùng một tình yêu nồng nàn dành cho nghệ thuật gốm của dân tộc.
Những bạn trẻ thích thú khi lần đầu được nghe kể và trải nghiệm câu chuyện làm gốm một cách đầy đủ và cụ thể. |
Không chỉ mang đến cho người tham dự những trải nghiệm làm gốm và giao lưu cùng nghệ nhân, “chạm.” còn bày bán vật phẩm lưu niệm do chính tay các bạn trẻ thiết kế và chào hàng như: móc khoá, hình dán, ghim cài, dây đeo thẻ… với họa tiết sinh động mô phỏng hoa văn gốm và văn hóa dân gian Việt Nam. Sự tấp nập của “nghệ nhân" và “người bán hàng" đã làm nên không khí nhộn nhịp, đông vui cho sự kiện.
Ngoài ra, sự kiện còn chuẩn bị cho khách tham dự những phần nước mát giải khát và bánh ngọt ngon miệng trong quá trình làm gốm và trò chuyện, khiến cho không gian trải nghiệm dành cho người trẻ càng vui vẻ, rôm rả.
Các bạn trẻ cùng trải nghiệm làm gốm và trang trí gốm tại sự kiện. |
Ngoài việc tiếp cận những thông tin phong phú về gốm Việt trên fanpage dự án 'NGUỒN Project', tại sự kiện chiều 11/8, khán giả được lắng nghe câu chuyện về cuộc đời làm nghề của một nghệ nhân thực thụ - anh Mai Phước Từng (người sáng lập Gốm nhà Mỡ). Cuộc trò chuyện hài hước và sâu lắng ấy đọng lại cảm xúc đẹp về những hoài bão của nghệ nhân gìn giữ gốm Việt và bồi đắp tình yêu, khát khao hành động bảo tồn của người trẻ đối với loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh đó, ở quầy trưng bày của sự kiện, các món gốm cũ với thiết kế tinh xảo khơi gợi âm vang hồn Việt tự cổ chí kim, tạo nên sự chiêm ngưỡng thích thú cho khách tham dự.
Gìn giữ những giá trị truyền thống
Trần Phan Mai Dung (chủ nhiệm dự án 'NGUỒN', nhiệm kỳ 2023 - 2024) cho biết, cô rất hạnh phúc khi sự kiện đã diễn ra suôn sẻ. Những ngày đầu tiên làm việc, Mai Dung cảm thấy lo sợ và nghi ngờ vì đây là lần đầu 'NGUỒN' làm một sự kiện mà khách mời được trực tiếp trải nghiệm loại hình nghệ thuật dân gian từ đầu tới cuối như một nghệ nhân.
“Mình rất trân trọng nỗ lực của toàn bộ thành viên dự án trong hành trình vừa qua, rất cảm ơn tình yêu của mọi người dành cho gốm nói riêng và văn hoá nghệ thuật Việt Nam nói chung, và cả sự ủng hộ cho 'NGUỒN Project' ngày một phát triển hơn để tiếp nối những giá trị văn hoá này”, Mai Dung nói.
Một số thành viên trong Ban Điều hành dự án. |
Lê Ngọc Bảo Trân (ĐH Cornell, người sáng lập 'NGUỒN Project') đã có cơ hội cố vấn và tham dự sự kiện “chạm.”. Đây sự kiện thứ ba của 'NGUỒN' sau sự kiện múa rối nước “mộc.” và cải lương “son.” của hai năm trước đó.
“Năm nay, các bạn chọn chủ đề gốm – một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống và văn hóa của người Việt. Gốm làm nên những vật dụng phổ biến trong đời sống thường ngày, nhất là của người xưa. Bình gốm cắm hoa mai làm ta nhớ đến ngày Tết, bộ chén dĩa gốm sứ gợi ta nhớ đến bữa ăn gia đình ấm áp ở thôn quê. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, đằng sau những vật dụng tinh xảo ấy là sự chỉn chu, sáng tạo, cần cù, khéo léo của những người thợ làm gốm cùng với sự kết hợp hài hòa của bốn nguyên tố đất, lửa, nước, khí. Vì vậy, mình rất vui khi các bạn quyết định “kể những câu chuyện” về gốm, giúp mọi người có cái nhìn sâu hơn về nghệ thuật làm gốm thông qua sự kiện này”, Bảo Trân bày tỏ.
Dự án thu hút đông đảo các bạn trẻ tại TP. HCM tham gia. |
Cũng theo Bảo Trân, tại “chạm.”, các bạn trẻ đã mang tới một trải nghiệm có tính thực hành hơn. Khán giả không chỉ được ngắm nhìn và mua lại các sản phẩm gốm truyền thống mà còn được tự tay tạo nên một tác phẩm gốm cho bản thân dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân và cộng tác viên.
“Mình rất tự hào khi 'NGUỒN' tiếp tục lan tỏa được tới khán giả ở nhiều độ tuổi một loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống và văn hóa dân tộc, đồng thời rèn luyện những đức tính tốt đẹp. Mình hy vọng rằng, các bạn trẻ từ nhiều trường trên địa bàn thành phố sẽ có thể cùng 'NGUỒN' tiếp nối giữ gìn và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống như vậy trong tương lai”, Bảo Trân bộc bạch.