Nguyễn Hoài Thu, sinh năm 2003, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh, ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa, khoa Khoa học Sự sống, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Trường Đại học Việt - Pháp). Cô bỏ lỡ buổi lễ trao bằng cử nhân của trường diễn ra hồi cuối tháng 8/2024 bởi đang ở châu Âu để chuẩn bị học thạc sĩ.
Hoài Thu chụp ảnh kỷ niệm tại Ý nhân dịp tốt nghiệp đại học. |
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Hoài Thu cho biết nhận thư đỗ học bổng toàn phần Erasmus Mundus vào tháng 3 năm nay. Thời điểm đó, cô là sinh viên năm cuối tại USTH và đang đi trao đổi tại Đại học Trento (Università degli Studi di Trento), Ý. Cô là 1 trong 54 sinh viên Việt Nam được trao học bổng Erasmus Mundus niên khoá 2024 - 2026.
Cô gái 21 tuổi trúng tuyển chương trình Thạc sĩ Công nghệ Y tế và Kinh doanh Chăm sóc sức khỏe Âu - Á (Euro - Asian Master in Medical Technology and Healthcare Business – EMMaH). Với học bổng này, cô sẽ học tập tại ba quốc gia châu Âu, lần lượt là Đức, Bồ Đào Nha, Pháp và có thể lựa chọn thực tập tại Đài Loan.
Có anh trai học ngành Công nghệ thông tin, Hoài Thu đã bắt đầu yêu thích lĩnh vực này từ khi học tại trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội. Sau khi tìm hiểu và được định hướng, cô lựa chọn ngành Kỹ thuật Y sinh.
Bởi khi học ngành này, cô có thể ứng dụng các kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có công nghệ thông tin, để nghiên cứu, chế tạo các thiết bị giúp chăm sóc sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Chương trình cử nhân ở USTH được dạy bằng tiếng Anh, kéo dài 3 năm và phải hoàn thành 60 tín chỉ mỗi năm học. Dù có nền tảng tốt về các môn khoa học tự nhiên cùng chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0, Thu vẫn khó bắt nhịp với guồng quay đó và thường xuyên chật vật qua các kỳ thi.
Vào năm thứ hai, cô tìm cách chủ động hơn trong học tập, tích lũy kiến thức và các hoạt động tập thể. Thu là lớp trưởng của lớp chuyên ngành với khoảng 15 sinh viên, trong đó chỉ có 3 sinh viên nữ và luôn năng nổ, tìm cách khuấy động nhiều phong trào.
“Khi gửi hai thư giới thiệu tới hội đồng tuyển sinh học bổng Erasmus Mundus, có một thư của thầy chủ nhiệm khoa Khoa học Sự sống tại USTH. Dù thầy không dạy mình môn nào nhưng thầy biết mình qua những hoạt động của lớp và đánh giá cao những đóng góp đó. Thầy đã viết rằng nếu nhận được học bổng, thầy tin tưởng mình sẽ có cơ hội tạo thêm nhiều tác động hơn nữa cho khoa học và xã hội”, Thu nhớ lại.
Lớp chuyên ngành tại USTH của Thu chụp ảnh cùng thầy giáo người Đài Loan. |
Là thành viên câu lạc bộ hỗ trợ học tập của trường, Thu được các anh, chị khóa trên chia sẻ nhiều cách học bài và ôn thi hiệu quả để cải thiện điểm số. Với yêu cầu học tiếng Pháp của trường, cô chọn cách học trước, thi đỗ chứng chỉ tiếng Pháp TCF B1 để được miễn học, miễn thi và phủ điểm, giúp tiết kiệm thời gian và tránh ảnh hưởng tới điểm học tập GPA.
Đến khi nộp học bổng Erasmus Mundus, chứng chỉ TCF B1 còn là một điểm cộng cho bộ hồ sơ của Thu. Chương trình EMMaH có một học kỳ tại trường Đại học Lille (Université de Lille) ở Pháp, do đó những ứng viên có khả năng sử dụng tiếng Pháp sẽ gây ấn tượng hơn với hội đồng tuyển sinh.
Thu và các thành viên của CLB Hỗ trợ học tập USTH Learning Support. |
Mùa hè năm nhất, Thu ứng tuyển và trở thành học viên Trường hè Khoa học 2022 tại Quy Nhơn, nơi cô được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người bạn chung sở thích nghiên cứu khoa học. Cô còn đăng ký tranh tài, lọt vào đội tuyển của trường đi thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc 2022 và đạt giải khuyến khích.
Đến học kỳ 2 năm thứ hai, cô bắt đầu nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật liệu tiên tiến và Ứng dụng (Laboratory of Advanced Materials and Applications - AMA Lab) của trường. Tiến sĩ Vũ Thị Thu, người hướng dẫn trực tiếp tại AMA Lab, là người viết lá thư giới thiệu thứ hai cho Thu. Tiến sĩ Vũ Thị Thu nhận xét học trò thông minh, sáng dạ, tiếp thu nhanh kiến thức mới và luôn toả ra nguồn năng lượng nhiệt huyết.
Học cử nhân bằng giáo trình tiếng Anh nên Thu có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu nước ngoài giống với những nội dung đã học trên lớp. Nếu có môn học nào khó hoặc bài nào chưa hiểu, cô dễ dàng tìm được nhiều khóa học miễn phí hoặc video hướng dẫn cách giải trên Internet để ôn tập.
Ngoài ra, Thu thường xuyên đọc các báo khoa học, tạp chí chuyên ngành để cập nhật những công bố, phát hiện mới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Cô sử dụng mạng xã hội LinkedIn, nhấn Theo dõi (Follow) nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành, các công ty công nghệ trong lĩnh vực y sinh để tìm hiểu các sáng kiến, sản phẩm ứng dụng công nghệ mới trên thị trường.
Trong bài luận nộp học bổng, Thu viết rằng dù học ngành Kỹ thuật Y sinh nhưng lại chọn học thạc sĩ về kinh doanh chăm sóc sức khỏe, bởi cô muốn học thêm những kiến thức về kinh tế học sức khỏe. Cô hy vọng với nền tảng về kỹ thuật, công nghệ ở bậc cử nhân và về kinh tế ở bậc thạc sĩ, cô có thể thực hiện ước mơ khởi nghiệp tại Việt Nam.
Tại vòng phỏng vấn, ngoài những câu hỏi quen thuộc để khẳng định ứng viên có sự quan tâm và hiểu biết nhất định về chương trình, các giám khảo đã hỏi Thu sẽ phản ứng ra sao nếu trượt học bổng này. Cô bình tĩnh trả lời, điều đó chứng tỏ những hiểu biết, suy nghĩ của bản thân về môi trường làm việc thực tế vẫn chưa đủ. Cô sẽ đi làm khoảng 1-2 năm trong lĩnh vực để trải nghiệm và tiếp tục nộp lại học bổng này.
Hoài Thu sau buổi phỏng vấn trực tuyến của chương trình EMMaH. |
Để kịp học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Thu phải chuẩn bị hồ sơ từ cuối năm thứ hai. Do đó, cô xác định chỉ có hai năm học để xây dựng mọi thứ, từ điểm GPA tốt, chứng chỉ ngoại ngữ, thành tích học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu và cả hoạt động ngoại khoá.
Cô đăng ký và được chọn tham gia vào chương trình EM Sharing - nơi kết nối giữa các cựu học giả, học giả của học bổng Erasmus Mundus và những ứng viên có mong muốn nộp đơn. Tại đây, cô gặp được một người cố vấn (mentor) nhiệt tình, một người anh tâm huyết đã giúp đỡ cô rất nhiều để hoàn thiện hồ sơ, nộp đơn cũng như quá trình sau đó.
“Anh mentor đã sửa cho mình rất nhiều điểm mà mình không để ý trước đó. Từ cách đặt tên tài liệu, viết email sao cho đúng, sửa bài luận từ cách diễn đạt tiếng Việt để phù hợp với văn phong tiếng Anh, đến những lưu ý nhỏ như cần viết thư cảm ơn hội đồng sau vòng phỏng vấn”, Thu chia sẻ.
Trong lúc làm hồ sơ nộp học bổng thạc sĩ, Thu vừa phải đi học, vừa làm việc tại lab, cũng như vừa chuẩn bị nộp đơn đi trao đổi. Thành quả ngọt ngào sau những ngày tháng miệt cố gắng khi cô đã nhận được học bổng danh giá nhất châu Âu Erasmus Mundus.
Thu và bạn sinh viên Việt Nam đi thăm Đấu trường La Mã tại thủ đô Rome, Ý. |
Hãy cùng hy vọng rằng, bằng sự thông minh, chăm chỉ và tư duy cầu tiến, Hoài Thu sẽ có những kỷ niệm tuyệt vời tại châu Âu và học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích, thú vị trong hành trình sắp tới.
Ảnh: NVCC