“Nắng thuỷ tinh”
MV là câu chuyện tình đẹp của hai nhân vật tượng trưng cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và “nàng thơ” Dao Ánh. Với tạo hình hiện đại pha chút màu sắc hoài cổ và trầm lắng, MV đã khắc hoạ chuyện tình đẹp của người nhạc sĩ đầy tài hoa, đồng thời mang nhạc Trịnh đến gần hơn với nhiều bạn trẻ.
Giữ vai trò đạo diễn và diễn hoạt của DECION, anh Thân Trọng Hiển chia sẻ: “Lúc làm dự án này, mình không nghĩ về nhạc Trịnh như một điều gì đó đã cũ. Mình chỉ đặt mình vào góc nhìn tình cảm của hai con người trẻ tuổi trong một bối cảnh mơ mộng, nên mọi định hướng về mặt hình ảnh, ánh sáng, đều theo đó trở nên tươi mới một cách rất tự nhiên”.
Theo anh Hiển, để diễn hoạt hai nhân vật, anh phải sử dụng khung xương bằng kim loại để chuyển động được chính xác và có hồn hơn. Phần ánh sáng cũng được chăm chút kỹ lưỡng, thậm chí có phân đoạn, anh phải diễn hoạt trực tiếp cho phần đèn chiếu sáng trên phim trường. Mỗi chi tiết nhỏ xuất hiện vài giây đều là kết quả của sự tâm huyết, tập trung, nghiêm túc và tỉ mỉ ở mỗi thành viên trong ê kíp.
Hai nhân vật tượng trưng cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và “nàng thơ” Dao Ánh trong MV Nắng thủy tinh. (Ảnh chụp màn hình) |
Chỉ chiếm thời lượng gần bốn phút nhưng quá trình hoàn thiện “Nắng thủy tinh” lại mất đến năm tháng, từ khâu lên kế hoạch và sản xuất. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhóm vẫn gặp không ít khó khăn. Anh Hiển chia sẻ: “Không giống như hoạt hình 2D hay 3D, nơi gần như 99% quy trình diễn ra trên máy, 'stop motion' phải đối mặt với những thử thách liên quan đến vật lý, chất liệu thực tế”.
Sản phẩm thủ công độc nhất
Để tạo ra một phim 'stop motion' thật sự cần rất nhiều thời gian, vì gần như mọi thứ người xem thấy trên màn ảnh đều là thật. 'Stop motion' là sự giao thoa đẹp đẽ giữa rất nhiều bên từ đoàn làm phim, thủ công tạo hình, cho đến cơ khí chính xác. Mỗi tác phẩm đều là một lần “biểu diễn” có thật mà không thể bấm nút hoàn tác như các sản phẩm được tạo ra từ máy tính.
"Trong quá trình thực hiện sản phẩm 'stop motion', mỗi khâu đều sẽ đặt ra một thử thách riêng, bởi tất cả các khâu đều yêu cầu rất nhiều kiến thức và thử nghiệm thực tế. Đặc biệt là khâu tạo hình, một nhân vật vừa đẹp, vừa đáp ứng được nhu cầu về các khớp linh hoạt để người diễn hoạt (animator) có thể diễn được trơn tru trên phim trường là điều không đơn giản. Để tạo nên những nhân vật dễ thương và có khả năng diễn hoạt được, ê kíp cũng phải tốn gần hơn một tháng để thử nghiệm rất nhiều phương án. Phần diễn hoạt thường mất rất nhiều thời gian, vì một ngày, diễn nhiều nhất cũng chỉ được mười mấy giây (tính theo 12 hình/giây)”, anh Hiển nói.
Quá trình tạo ra từng chuyển động của nhân vật đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ. (Ảnh chụp màn hình) |
Với góc nhìn của một đạo diễn trẻ và một người diễn hoạt 'stop motion', anh Hiển cho rằng, lĩnh vực 'stop motion' đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. “Sẽ có những lúc bạn tự hỏi, sao mình không chọn dạng hoạt hình “digital” - “máy tính”, nơi mà mình sẽ không phải đổ quá nhiều mồ hôi dưới ánh đèn phim trường hay mỏi cơ tay vì chỉnh chuyển động cho những nhân vật bé xíu. Nhưng nếu bạn xem lại đoạn diễn hoạt vừa làm, thấy nhân vật mình vừa cầm trên tay kia bước đi, cười nói như có một sự sống riêng và bạn cảm nhận được một điều gì đó trong tim, thì hãy cứ tận hưởng điều tuyệt vời của thứ “phép thuật” ấy”, anh Hiển tâm sự.
'Stop motion' (hoạt hình tĩnh vật) là một kỹ thuật làm phim, trong đó các nhân vật và bối cảnh sẽ được tạo hình hoặc dựng lên theo từng động tác, sau đó được chụp hình và ghép các ảnh tĩnh thành một bộ phim. Mỗi khung ảnh là một động tác riêng và khi ráp lại một cách liên tục, người xem có cảm giác như các nhân vật hoặc đồ vật thực sự chuyển động.