Dự Hội nghị, có các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; đại diện một số cục, vụ liên quan của Bộ GD - ĐT; đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và đại diện 63 sở GD - ĐT.
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết: Năm 2023, Bộ GD - ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 - 2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.
Công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi được triển khai nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đúng hướng dẫn. Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%.
Qua phân tích phổ điểm cho thấy, các số liệu thống kê của kỳ thi năm 2023 cơ bản không thay đổi so với năm 2022. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương. |
Phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Điều này nói lên việc ra đề của Bộ GD - ĐT khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học. Từ kết quả kỳ thi cho thấy Kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển.
Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Huỳnh Văn Chương đề cập tới 5 bài học kinh nghiệm. Đó là, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, tuyển sinh.
Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi từ T.Ư tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả. Bộ GD - ĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi. Trong đó, Bộ GD - ĐT ban hành Quy chế thi, thực hiện ra đề thi và thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu thi đồng bộ và thuận lợi cho nhiều mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.
Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn ở từng Hội đồng thi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GD - ĐT với các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Tuyên giáo…
Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức Kỳ thi. Đặc biệt là sự chủ động của Sở GD - ĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Kỳ thi, cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội đã bảo đảm Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi và thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ thi.