CLB Thiên văn USAC (khoa Vật lý - Vật lý Kỹ thuật, trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM) được thành lập vào năm 2019. CLB đã tổ chức nhiều các hoạt động với các chủ đề khác nhau, như các đêm trại quan sát thiên văn với quy mô lớn (tại Cần Giờ) và nhỏ (tại khuôn viên ĐHQG); cộng tác với CLB K.I.P tổ chức quan sát nhật thực toàn phần (21/6/2020) tại trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai); tổ chức sự kiện seminar online “Cuộc chạy đua vũ trụ 2.0”...
Kính thiên văn với tên gọi USAC 5 - SD là kính tự chế tạo thứ 3 của câu lạc bộ. Nói về ý tưởng lần này, Đinh Đào Quốc Thịnh (ngành Kỹ thuật Máy tính, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM, đội trưởng đội Kỹ thuật) chia sẻ: “Đầu năm 2021, các anh chị đi trước trong câu lạc bộ mong muốn chế tạo ra một chiếc kính thiên văn phản xạ lớn để có thể quan sát các thiên thể trên bầu trời một cách sắc nét hơn và tốt hơn. Nhưng đến đầu 2022, chúng mình mới nhận được nguồn tài trợ và bắt tay vào thực hiện”.
Các thành viên tham gia khâu chế tạo. |
Dự án được triển khai thực hiện trong một tháng, bắt đầu từ 3/2022 và hoàn thành vào 4/2022, cụ thể là 20 ngày thiết kế và 10 ngày chế tạo, cân chỉnh thông số.
Trong quá trình thực hiện, các thành viên cũng gặp không ít những khó khăn. Quốc Thịnh cho biết, vì kính thiên văn có kích thước lớn nên cần các linh kiện và vật liệu có độ chính xác cao. Các linh kiện này lại không có mặt ở thị trường Việt Nam. Các bạn đã phải đặt mua ở nước ngoài một số linh kiện, số còn lại các bạn phải tự gia công thông qua việc in 3D, cắt laser, cắt CNC...
Nói về công đoạn khó khăn nhất trong quá trình chế tạo, Thịnh bày tỏ: “Việc đặt gương cầu lõm (gương sơ cấp) và gương phẳng (gương thứ cấp) sao cho chúng đồng tâm với nhau và nằm trên cùng một đường thẳng chính là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình thực hiện. Chúng mình đã sử dụng đèn laser để kiểm tra đường đi phản chiếu của đèn có nằm trên một đường thẳng hay không. Nếu xảy ra sai số lớn thì sẽ làm thu hẹp trường nhìn khi quan sát, từ đó hình ảnh thu được sẽ không còn tốt và sắc nét”.
Bằng ý chí và sự quyết tâm của hơn 10 thành viên, các bạn đã chế tạo thành công kính thiên văn USAC 5 - SD. Kính thiên văn này được ứng dụng vào việc quan sát các thiên thể trên bầu trời đêm cụ thể như các hành tinh trong hệ Mặt Trời, các vật thể sâu (các tinh vân, cụm sao, thiên hà...).
Sản phẩm kính thiên văn USAC 5 - SD do CLB Thiên văn USAC chế tạo. |
Nói về cảm xúc sau khi chế tạo thành công kính thiên văn USAC 5 - SD, Quốc Thịnh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tham gia vào việc chế tạo kính thiên văn với kích thước lớn. Khi hoàn thành, tất cả thành viên không khỏi xúc động. Hy vọng rằng chiếc kính này sẽ giúp chúng mình khám phá thêm được nhiều điều thú vị trên bầu trời đêm đầy mê hoặc và bí ẩn. Sắp tới, chúng mình sẽ tiếp tục cải tiến thêm và trong tương lai gần, chúng mình sẽ lên kế hoạch và triển khai dự án xe tự hành trên sao Hỏa”.