Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện
SVVN - Hai kilômét kè biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) vốn chỉ là những khối bê tông đơn điệu, dưới bàn tay của các chiến sĩ tình nguyện Mùa Hè Xanh trường ĐH Bình Dương và trường ĐH Thủ Dầu Một, đã được sơn màu, khoác lên mình một diện mạo mới đầy màu sắc tươi trẻ, sinh động, trở thành điểm “check in” thu hút khách du lịch.

Khoác áo mới cho 2 km kè biển nơi đảo xa

Những ngày đầu tháng Bảy, thời tiết ở Phú Quý mưa nắng thất thường nhưng 15 chiến sĩ tình nguyện Mùa Hè Xanh thuộc ĐH Bình Dương và trường ĐH Thủ Dầu Một vẫn vượt sóng ra với huyện đảo. Bằng nhiệt huyết, sức trẻ tình nguyện, chỉ trong 10 ngày (từ 5/7 – 14/7), 15 chiến sĩ tình nguyện thực hiện sơn sửa 2 ngôi nhà cho gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các lớp sinh hoạt Hè cho các em thiếu nhi, đặc biệt là thực hiện công trình thanh niên “Tô điểm kè biển”.

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện ảnh 1

Nguyễn Ngọc Uyên Vy tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh tại huyện đảo Phú Quý.

Đây là năm thứ tư liên tiếp, Nguyễn Ngọc Uyên Vy (năm thứ tư, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Bình Dương) tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh tại huyện đảo Phú Quý. Với Uyên Vy,  đảo Phú Quý trở nên thân thương, gần gũi như quê hương thứ hai của mình. Vy cho biết, việc thực hiện chiến dịch Mùa Hè Xanh xuyên suốt tại Phú Quý trong nhiều năm liền nhằm tạo ra được sự thay đổi thực sự cho đảo Phú Quý. Mùa Hè Xanh năm nay, Uyên Vy là Thường trực Chỉ huy chiến dịch, trực tiếp tham gia tô điểm, sơn sửa kè biển Phú Quý. “Trong 3 năm trước, chúng mình đã thực hiện  nhiều hoạt động an sinh xã hội. Vì vậy, năm nay, chúng mình muốn tạo ra một giá trị tinh thần, dấu ấn đậm nét. Từ gợi ý của Huyện Đoàn Phú Quý, chúng mình quyết định thực hiện công trình “Tô điểm kè biển”, với chiều dài 2 km”. 

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện ảnh 2

Hai kilômét kè biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) vốn chỉ là những khối bê tông đơn điệu, dưới bàn tay của các chiến sĩ tình nguyện Mùa Hè Xanh trường ĐH Bình Dương và trường ĐH Thủ Dầu Một, đã được sơn sửa, khoác lên mình một diện mạo mới đầy màu sắc tươi trẻ, sinh động, trở thành điểm “check in” thu hút khách du lịch.

Đội tình nguyện đã chọn 5 sắc màu để sơn lên kè biển, gồm: Hồng, vàng, xanh dương, xanh lá cây và màu cam. Uyên Vy kể lại: “Những ngày sơn kè biển thực sự rất cực, vì nắng, gió rất gay gắt, hơi nóng từ những tảng bê tông hầm hập phả vào mặt. Thỉnh thoảng lại mưa, chúng mình chỉ trú tạm vào các hốc đá, tạnh mưa lại ra làm tiếp”. Điều đáng nói, khi những khối bê tông bắt đầu khoác lên mình sắc màu rực rỡ, người dân xúm lại trầm trồ “Các cháu sơn quá đẹp!”, một số thanh niên đảo đi thăm ghe thuyền thấy vậy cũng vào làm cùng. Thấy được việc làm ý nghĩa của các chiến sĩ tình nguyện, bộ đội trên đảo cũng huy động một số chiến sĩ hỗ trợ. Nhờ đó, trong 10 ngày, các chiến sĩ tình nguyện Mùa Hè Xanh đã hoàn thiện 2 km kè biển như chỉ tiêu đã đặt ra ban đầu. Bên cạnh đó, đoàn còn tiến hành dọn rác, làm sạch bãi biển.

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện ảnh 3

Sinh viên tình nguyện tham gia sơn bờ kè dọc biển trên đảo Phú Quý, Bình Thuận.

Vừa trở về đất liền, Nguyễn Tuyết Nhi (năm thứ hai, khoa Sư phạm, trường ĐH Thủ Dầu Một) vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc những ngày tình nguyện trên đảo Phú Quý. Nhi được giao nhiệm vụ sơn sửa nhà cho gia đình  neo đơn. “Khi chúng mình sơn nhà cho cụ, cụ cứ đứng nhìn theo, mắt hấp háy cười. Hình ảnh đó khiến chúng mình vừa thấy thương cụ, vừa cảm thấy hạnh phúc vì việc làm của mình được đón nhận, mang lại niềm vui cho cụ. Chúng mình nhắc nhau phải làm thật tốt, thật đẹp”. Tuyết Nhi bị say sóng nhưng khi đặt chân lên đảo, đón nhận tình cảm thân thiện, yêu thương của người dân mọi mệt mỏi của Nhi dường như tan biến. Những ngày trên đảo, đội tình nguyện nhận được sự chia sẻ của người dân: “Nhiều người dân cho chúng mình thêm rau, thêm cá, thịt, bảo “ăn đi, lấy sức còn làm”. Những chuyến đi thế này khiến cho người trẻ chúng mình thêm tự hào, thêm yêu biển đảo Tổ quốc”.

Làm đường cho dân đi

Con đường vào thôn Lao Chải 2 dốc dựng đứng, đường đất nên mỗi khi trời mưa là trơn trượt, người dân rất khó khăn trong việc đi lại. Ý tưởng bê tông hóa con đường nhanh chóng được các chiến sĩ tình nguyện trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) bắt tay thực hiện.

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện ảnh 4

Ý tưởng bê tông hóa con đường nhanh chóng được các chiến sĩ tình nguyện trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) bắt tay thực hiện.

Đội tình nguyện trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) đã kêu gọi thêm các lực lượng, gồm: Đoàn xã, CLB tình nguyện HOPE, các chiến sĩ Biên phòng chung tay thực hiện. Anh Nguyễn Văn Dũng (giảng viên bộ môn Dược lý, trường ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên, đội trưởng đội tình nguyện) cho biết, ban ngày, làm đường dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các tình nguyện viên phải vác từng bao xi măng rất vất vả, mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy, người dân Lao Chải 2 vào làm cùng đội tình nguyện. “Khi con đường hoàn thành, người dân nơi đây vui mừng lắm, họ đến cảm ơn từng người trong đoàn tình nguyện. Từ nay, họ có thể đi lại mà không lo mưa gió”, anh Dũng nói. Anh Dũng cho rằng, một trong những thành công của chiến dịch Mùa Hè Xanh  tại Y Tý là đội đã huy động được các lực lượng khác cùng tham gia. Nhờ sự chung sức, chung lòng đó, đội tình nguyện của anh dù lực lượng khá mỏng nhưng đã thực hiện được nhiều công trình, phần việc thiết thực cho người dân Y Tý.

Những công trình mang đậm dấu ấn tình nguyện ảnh 5

Đây là lần đầu tiên Phạm Thị Hoài Chi (năm thứ hai, khoa Dược, trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên) tham gia chiến dịch Mùa Hè Xanh. Chi và các đồng đội được bố trí ở tại trường tiểu học Y Tý, không điện, không nước. “Cả đội phải dùng ống hút nước từ suối lên sinh hoạt. Nước rất ít ỏi nên chúng mình phải dùng chắt chiu từng chút. Đây là những trải nghiệm giúp mình thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà bà con Y Tý đang trải qua để biết trân trọng, yêu thương những gì mình đang có”. Vừa trở về, Chi đã thấy nhớ những đứa trẻ Y Tý: “Ngày chia tay, các em nắm chặt tay chúng mình, khóc rất nhiều, không muốn cho chúng mình về xuôi”.

Anh Nguyễn Quang Đông, Bí thư Đoàn trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) cho biết, đây là lần thứ hai liên tiếp, trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) tổ chức các hoạt động tình nguyện tại Y Tý. Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2018, trường phối hợp với Bệnh viện Y Dược Thái Nguyên, Hội LHTN huyện Bát Xát (Lào Cai) tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 600 học sinh thuộc 2 xã Y Tý và Ngải Thầu. Đội tình nguyện đã chở máy móc thiết bị khám chữa bệnh và thuốc từ dưới xuôi lên 2 xã, tổng trị giá lên tới hơn 500 triệu đồng. “Chuyến đi đó, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của người dân, các em nhỏ nơi đây quá thiếu thốn, thiệt thòi. Vì vậy, sau khi bàn bạc với Hội LHTN huyện Bát Xát, mùa Hè này, chúng tôi quyết định quay lại đây, mang sức trẻ, trí tuệ chung tay góp sức đổi thay cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn”.

Anh Đông cho biết, trong 10 ngày tình nguyện tại Y Tý, đội tình nguyện trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) đã thực hiện được nhiều phần việc ý nghĩa: Làm tuyến đường bê tông thôn Lao Chải 2; truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 45 người cao tuổi; xây dựng 5 hố tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình; tổ chức các buổi sinh hoạt Hè cho thiếu nhi; tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn, các em thiếu nhi nghèo vượt khó…

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm