Sống khác đi
Tống Khánh Linh, hay còn gọi là Helly Tống, khởi nghiệp khi mới 19 tuổi, với những dự án thời trang, nhà hàng chay và là một “fashionista” đình đám. Mới đây, nữ doanh nhân 24 tuổi này đã có những bước đi mới đầy bất ngờ, đó là sáng lập ra những dự án xanh, thân thiện với môi trường: “The Yên Concept”, hay “Lại Đây Refill Station”. “Sau một thời gian kinh doanh, thời trang và nhà hàng, mình nhận thấy môi trường đó không còn cơ hội nữa. Mình không phải là một nhà thiết kế chuyên nghiệp, thương hiệu cũng chưa thật sự vững chắc trong thị trường. Việt Nam mở cửa, du nhập các nhãn hiệu thời trang nước ngoài vào thì mình làm thế nào để cạnh tranh? Lúc này, mình phải đối mặt với bài toán là đi tiếp hay dừng lại”, Linh kể.
Linh quyết định dừng lại, vì đó chưa phải là đam mê thật sự của bản thân và giá trị đóng góp cho xã hội không nhiều. Linh đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và thấy được một vòng tròn khép kín liên kết giữa kinh tế - môi trường - con người.Từ đó, Linh nhận ra, con người có những mối liên kết với nhau, trong đó, đặc biệt là kết nối với thiên nhiên. Lúc trở về nước, cô quyết định khởi nghiệp với “The Yên Concept”. Dự án chuyên về cây xanh và dùng hình ảnh của chính bản thân để truyền những năng lượng tích cực đến với mọi người. “The Yên Concept” là nơi truyền cảm hứng về lối sống xanh, không gian xanh trong nhà và môi trường sống, làm giảm những stress trong cuộc sống.
Bắt đầu khởi nghiệp với dự án xanh nhưng lại không có nhiều kiến thức về môi trường, Linh bắt đầu đọc nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn về môi trường. Càng đọc cô càng nhận thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn với thiên nhiên, môi trường mình đang sinh sống: “Đồng hành với những dự án về môi trường, mình cảm thấy có một nguồn năng lượng tích cực. Mình nghĩ, mình đang làm một việc tốt nên cứ làm, dù mình không có nhiều kiến thức về môi trường. Mình muốn lan truyền thói quen tiêu dùng xanh đến với các bạn trẻ qua những việc làm cụ thể, tích cực của mình”. Linh “bật mí”, đối với dự án “Lại Đây Refill Station”, sản phẩm không được đóng gói sẵn mà khách hàng phải tự mang chai lọ, giỏ đựng từ nhà đến để mang về. Nơi đây không sử dụng bao nylon hay rác thải nhựa…
Khánh Linh sinh 1995, không xa lạ gì với giới trẻ Sài Gòn. Cô từng theo học trường Macquarie Uni ở Úc, giải Nhì cuộc thi Lambretta, lọt vào “top” 10 cuộc thi X-Gen.
Xuất phát từ mong muốn có một trạm dừng để làm đầy các chai lọ cũ, giảm rác thải nhựa, Giám đốc Công ty tư vấn quản trị cung ứng CEL Consulting Nguyễn Dạ Quyên (33 tuổi, TP. HCM) và Tống Khánh Linh đã cùng nhau sáng lập nên dự án “Lại Đây Refill Station”. Cả hai gặp không ít khó khăn, bởi phải giải thích cho mọi người hiểu “refill” có nghĩa là gì, tại sao cần “refill”, sẽ được gì khi “refill”… trong khi khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam. Chưa kể, không phải mặt hàng nào cũng tìm được sản phẩm sản xuất tại địa phương, thân thiện với môi trường.
Hơn 3 tháng lên kế hoạch, “Lại Đây Refill Station” ra mắt cộng đồng, với hơn 300 sản phẩm chăm sóc nhà cửa (nước lau sàn, lau nhà, rửa chén...), sản phẩm chăm sóc bản thân (sữa tắm, rửa mặt, gội đầu, tinh dầu...) và sản phẩm mang theo, dùng hàng ngày (ly, ống hút, túi xách...)... Những sản phẩm trên dần tiếp cận với người tiêu dùng để thay đổi một thói quen dùng hàng công nghiệp, tiện dụng nhưng gây ô nhiễm môi trường. Linh tin rằng, những người trẻ có thể tạo ra thay đổi này. Theo cô, khâu khó nhất là liên hệ với nhà sản xuất, vì ở đây có đến 75% sản phẩm địa phương nên phải kiểm tra về chất lượng và phải đi thuyết phục rất nhiều nhà sản xuất cung cấp sản phẩm, do dự án quá mới trong lĩnh vực này. Nhưng sau khi nghe ý tưởng “Lại Đây Refill Station”, các nhà sản xuất đều sẵn lòng chia sẻ và đóng góp thêm cho dự án.
Những sản phẩm của “Lại Đây Refill Station” được thiết kế thay đổi theo mùa, màu sắc, kiểu dáng để tiếp cận người tiêu dùng, khiến họ thay đổi thói quen sử dụng cũ bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện tại, mỗi tuần, “Lại Dây Refill Station” thu hút 5.000 – 7.000 người. Linh cho biết: “Tiên phong trong lĩnh vực này, nên khi sản phẩm ra mắt, mình sợ không bán được, do kén người dùng. Nhưng những sản phẩm về môi trường thật sự tiếp cận đến người tiêu dùng. Tính đến nay, sau hơn 9 tháng ra mắt, “Lại đây Refill Station” đã mở được chi nhánh thứ hai, do nhu cầu tăng cao. Đối với tụi mình thì chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định khiến khách hàng quay trở lại”. Ngoài bán sản phẩm, “Lại Đây Refill Station” còn mở những “workshop” chia sẻ kiến thức về môi trường, chống biến đổi khí hậu, tiêu dùng xanh... đến cộng đồng.