Hàng nghìn ý tưởng tình nguyện trong sinh viên
Ngày 31/5, tại Hà Nội, diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi “Ý tưởng sinh viên tình nguyện” năm 2019, với sự tham gia tranh tài của 10 ý tưởng tình nguyện của 10 tác giả, nhóm tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ trao giải, anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN cho biết: “Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong hội viên, sinh viên cả nước đồng thời phát huy trí tuệ, chuyên môn của đội ngũ trí thức trẻ; phát huy tinh thần sáng tạo, xung kích, tình nguyện của hội viên, sinh viên tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019 của các địa phương, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”.
Đại diện BTC Trao giải nhất cho ý tưởng “Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước” của nhóm sinh viên Đà Nẵng.
Sau hơn 1 tháng triển khai cuộc thi, BTC đã nhận được 1.046 ý tưởng tình nguyện được gửi về, từ 45 tỉnh, thành phố; 157 trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước; đặc biệt có 3 ý tưởng từ hội viên, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga, Hungary, Trung Quốc. Các ý tưởng dự thi tập trung vào các nhóm: Xây dựng nông thôn mới, Xây dựng đô thị văn minh; Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; An toàn giao thông; An sinh xã hội; Văn hóa, giáo dục, đời sống; Chăm lo thiếu nhi.
Anh Nguyễn Minh Triết, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên VN, trao giải nhì cho ý tưởng “Dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo ở Quảng Nam”.
Kết quả chung cuộc, giải Nhất thuộc về ý tưởng “Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước” của nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, với phần thưởng 5 triệu đồng, và kinh phí triển khai ý tưởng tối đa 200 triệu đồng. Giải Nhì thuộc về ý tưởng "Dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ở Quảng Nam" của Dương Quốc Bảo, du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, với phần thưởng trị giá 3 triệu đồng và kinh phí triển khai ý tưởng tối đa 100 triệu đồng. Giải ba thuộc về ý tưởng "Ứng dụng CNTT trong công tác vận động và điều phối hệ thống ngân hàng máu sống tại Hải Phòng”, với phần thưởng 2 triệu đồng và kinh phí triển khai ý tưởng tối đa 80 triệu đồng.
10 ý tưởng vào vòng chung kết: Hô biến - cùng tái chế (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Tảo hôn vẫn đang tiếp diễn - Hãy cứu chúng em (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) Trao tri thức - Trao yêu thương (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) Hệ thống lọc nước đa năng (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) Dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ở Quảng Nam (du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc) Rơm rạ và bài toán xử lý (Trường ĐH Sao đỏ, Hải Dương) Hỗ trợ máy tính cũ cho trẻ em nghèo (Trường Cao đẳng công nghệ Cần Thơ) Sân chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế (Trường cao đẳng cộng đồng Bắc Kạn) Ứng dụng CNTT trong công tác vận động và điều phối hệ thống ngân hàng máu sống tại Hải Phòng (Trường ĐH Y Hải Phòng) |
Ngoài ra, BTC cũng trao 7 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả; trao 2 giải thưởng Hội Sinh viên cấp tỉnh có số lượng dự thi nhiều nhất và 2 giải thưởng cho Hội Sinh viên cấp trường có ý tưởng dự thi nhiều nhất.
Sinh viên sáng chế phương tiện gom rác thuỷ bộ
Phương tiện hữu dụng này là sáng chế của nhóm bạn trẻ Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật, Trương Văn Bình, Võ Văn Khoa, Lê Thanh Trãi, Đinh Văn Hiệp, đều là sinh viên ngành kỹ thuật tàu thủy, khoa cơ khí giao thông, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Bạn Võ Anh Khoa cho biết môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề bởi rác thải và phải mất nhiều công sức để làm sạch rác trên mặt biển, ao hồ. Từ thực trạng đó, nhóm nghĩ ra việc chế tạo một "robot" có thể thay con người vớt rác bằng phương pháp thủ công. Nắm vững các kiến thức chuyên ngành học ở trường và tìm thêm ở sách vở, cùng sự trợ giúp của giảng viên, nhóm đã mất nhiều tháng để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Sinh viên Võ Anh Khoa, đại diện nhóm trình bày tại Chung kết Ý tưởng tình nguyện 2019.
Bạn Trần Văn Nhật cho biết phương tiện có các bộ phận cửa gom, thân chính, băng tải, buồng nén, thùng rác, bánh xích và trụ xoay. Điều đặc biệt nhất là sản phẩm được chế tạo bằng composite sợi thủy tinh vừa có trọng lượng nhẹ và không bị oxy hóa hay ăn mòn bởi nước biển. Phương tiện hoạt động bằng pin điện. Khi hoạt động trên cát, hệ thống bánh xích sẽ giúp di chuyển một cách dễ dàng ở nhiều bề mặt và di chuyển trên mặt nước bằng hệ thống Water Jet (thiết bị phụt) bố trí bên trong hai thân. Khi phương tiện chạy dọc trên mặt nước hay mặt cát, rác được thu vào cửa gom rồi dẫn đến băng tải thiết kế dạng lưới. Thiết kế này giúp trả lại nước biển và cát. Rác được chuyền qua băng tải lưới vào hệ thống xử lý.
Tùy theo chức năng được thiết kế riêng, rác có thể được nghiền nát hoặc ép chặt tại buồng nén rồi đẩy vào buồng chứa. Công nhân môi trường chỉ việc tháo thùng rác khi đầy. Khó khăn nhất của nhóm là phải mất rất nhiều thời gian và công sức vì không có trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để hoàn chỉnh thiết kế. Tất cả phải thực hiện bằng các thiết bị cầm tay nhưng phải đảm bảo tính chính xác trong từng chi tiết.
Võ Anh Khoa khẳng định "Qua nhiều lần chạy thử nghiệm, sản phẩm đã đáp ứng được những tiêu chí cơ bản đặt ra về hiệu suất và tính ổn định. Nhóm mình tin tưởng về tính khả thi của phương tiện khi đưa vào thực tiễn". Hiện nhóm đang có hướng phát triển thêm những tính năng bổ sung và điều chỉnh về kết cấu, kích thước để đưa sản phẩm vào sử dụng thực tế. Để tối ưu khả năng thu gom rác, sản phẩm thực tế dự tính sẽ có kích thước tương đương một chiếc xe bán tải.