Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời
SVVN - Hơn 150 bệnh nhân với những hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, nhưng cùng chung sống dưới mái nhà đầy ắp tình thương mang tên “Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội”. Họ là những người già cô đơn, những bệnh nhân khuyết tật hay là trẻ em nhiễm HIV. Ngày qua ngày, họ tự vun vén niềm vui cuộc sống, nương tựa vào nhau để sống tiếp phần đời còn lại.

Cách Trung tâm Hà Nội khoảng 40km, chúng tôi tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tại thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên – nơi chuyên tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi người đến đây đều vì cuộc đời xô đẩy, người thì con cái không có điều kiện chăm sóc, người bị bỏ rơi, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo… Tất cả họ đều được nhận nuôi dưỡng và sống chung với nhau ở Trung tâm cùng đội ngũ cán bộ, chuyên viên quản lý.

Đến Trung tâm thì trời đã sang trưa, cái nắng nhè nhẹ buổi trưa nhưng cũng đủ hong khô những bộ quần áo được phơi ngay ngắn trên giàn của các thành viên trong mái nhà chung. Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng Down nhưng dưới sự chỉ dẫn của các cán bộ quản lý thì vẫn tự giặt giũ đồ của mình được. Tiếng hát hò, cười đùa ở giữa sân, họ trông rất vui vẻ nhưng mấy ai hiểu được phía sau đó là những số phận đáng thương.

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Những bệnh nhân tại Trung tâm bảo trợ và công tác xã hội Hưng Yên. (Ảnh Thanh Nga)

Vun vén niềm vui, vượt lên số phận

Bắt gặp bà Nguyễn Thị Tầm (87 tuổi, quê ở Xã Ân Thi, Hưng Yên) thuộc diện người cao tuổi cô đơn, có hoàn cảnh khó khăn đang đi ra từ khu ăn trưa. Sau khi được hỏi han, bà Tầm rưng rưng nước mắt: “Có hai chân thì hỏng cả 2, chân tôi gãy được 8 năm nay rồi gãy từ cổ chân xuống đùi, chân bên phải này hôm nọ ngã dập 1/3 nhưng không rời, bây giờ thì cũng đi được rồi”. Và 8 năm cũng là quãng thời gian bà Tầm gắn bó với Trung tâm. Bà kể, ở nhà chỉ còn mỗi đứa cháu trai là người thân, cũng không có điều kiện chăm sóc bà. Tuy già cả, bệnh tật nhưng bà không muốn trở thành gánh nặng cho ai, bà vui vẻ đón nhận sự chăm sóc và hỗ trợ từ Nhà nước. Sau thời gian kiên trì tập luyện, bà Tầm cũng đã tự đi được và không phụ thuộc nhiều vào các cán bộ quản lý.

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Bên trái là bà Tầm, bên phải là bệnh nhân Phạm Hùng( thuộc diện khuyết tật nặng) Ảnh: Thanh Nga

“Chính tôi ở nhà lại buồn, tôi ở đây vui lắm. Ở đây bà con chị em cũng hoàn cảnh như mình biết thương nhau, giúp đỡ, mặc dù cũng không tránh khỏi được va chạm. Người ta cũng dở như mình, mình dở ít người ta dở nhiều. Thôi thì cũng thông cảm cho họ”. Bà Tầm say sưa kể chuyện và háo hức khi nhắc đến Tết. Bà bảo Tết hàng năm ở đây vui lắm, được mừng tuổi, được các nhà hảo tâm ghé thăm rồi ăn những món ăn truyền thống vào dịp này. Trong nỗi buồn sâu thẳm của bà Tầm vẫn còn đó chút niềm vui sống, sự đồng cảm sẻ chia và thậm chí là những nụ cười trong vô thức của các bệnh nhân mắc bệnh cũng khiến bà cảm thấy được an ủi.

Ngoài bà Tầm, còn rất nhiều trường hợp bất hạnh khác nữa nhưng họ vẫn phải dựa vào nhau mà sống. Người có nhận thức chăm sóc người khuyết tật nặng, người trẻ giúp người già, “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau vượt qua số phận đầy đắng cay và nghiệt ngã.

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Hai bệnh nhân bị khuyết tật nặng ( thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển) vui vẻ sau bữa ăn) Ảnh: Thanh Nga

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Bệnh nhân Nhữ Thị Oanh (1977, ở trung tâm được 8 năm, cũng thuộc diện người khuyết tật nặng ) Ảnh: Thanh Nga

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Họ coi nhau như người thân trong nhà, vui vẻ chăm sóc nhau

“Hạnh phúc khi nhìn thấy mọi người vui vẻ”

Đó là lời chia sẻ của chị Bùi Thị Thúy-Phó Trưởng phòng Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng của Trung tâm. 8 năm làm việc tại Trung tâm, chị Thúy gặp nhiều khó khăn ở thời gian đầu nhưng sau đó thì quen dần. Những lần chăm sóc các đối tượng đặc biệt như bệnh nhân bị viêm phổi, não úng thủy, thoát lỗ hậu môn hay là lúc đưa các bà đi viện vì ngất xỉu bất ngờ, đều là những kỉ niệm đáng nhớ của chị Thúy. Chị Thúy vừa nói vừa nhìn các bà với ánh mắt trìu mến:

“Những lần đi viện có lần tôi ở lại luôn trong viện vì các bà cũng không có người thân vào chăm. Nhiều lúc mệt nhưng tôi thấy rất vui, hạnh phúc khi mọi người mạn khỏe, vui vẻ. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc của mình”.

Niềm vui lặng lẽ của những mảnh đời

Khoảnh khắc chị Thúy ( mặc áo trắng) cùng đồng nghiệp trò chuyện với các bà

Niềm vui, tiếng cười, sự chăm sóc quan tâm lẫn nhau của những con người tại mái nhà chung ấm áp này đã phần nào làm dịu đi nỗi đau, mất mát của các bệnh nhân. Dù sao thì sức mạnh của tình yêu, tình người khiến chúng ta chấp nhận cuộc sống này một cách dễ dàng hơn.

Theo SVO
MỚI - NÓNG
Tỏa sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Tỏa sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
SVVN - Tối ngày 7/10, tại Hà Nội, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và TCP Việt Nam tổ chức chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt”, năm 2024. Chương trình tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, những người đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và đóng góp tích cực cho cộng đồng. 
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
ĐHQG TP. HCM tiên phong trong việc giảm bớt phương thức thức tuyển sinh vào năm 2025
SVVN - PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho biết, năm 2025, ĐHQG TP. HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: (1) Xét tuyển thẳng; (2) Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức; (3) Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, ĐHQG TP. HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Có thể bạn quan tâm