Dự án YASA là một sáng kiến học tập trực tuyến quốc tế nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về các vấn đề xã hội gắn với Mục tiêu Phát triển Bền vững (UN SDGs). Cuộc thi còn là cơ hội để các bạn sinh viên phát triển kỹ năng làm việc nhóm, trau dồi khả năng giao tiếp và thúc đẩy giao lưu văn hóa với bạn bè từ các quốc gia Đông Nam Á.
Dự án YASA thu hút gần 100 sinh viên từ các trường đại học trong khu vực ASEAN tham gia, trong đó, 35 video được các nhóm sinh viên hoàn thiện trong vòng 30 ngày. |
“Mình rất bất ngờ khi biết tin đoạt giải thưởng, vì trong quá trình làm bài, chúng mình gặp những vấn đề không thuận lợi do khoảng cách địa lý, khác biệt ngôn ngữ và văn hoá. Nhưng cuối cùng, nhóm mình đã vượt qua tất cả khó khăn và có được thành quả tốt, đặc biệt là thành quả nhận được nhiều sự công nhận của Ban giám khảo và người xem. Mình rất vui và vinh hạnh vì kết quả này”, Bảo Ngọc bày tỏ.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Bảo Ngọc cho biết, tác phẩm của nhóm được đặt tên là "The story of two children: Two paths, One world", nói về nạn tảo hôn ở Indonesia. Bảo Ngọc và đồng đội muốn lan truyền thông điệp, rằng mọi đứa trẻ đều xứng đáng có quyền lựa chọn cuộc sống của mình, các em là những mầm non cần được nâng niu và chăm sóc chứ không phải một công cụ để sinh sản, buôn bán trục lợi.
Nhằm tạo ra một câu chuyện dễ xem, dễ hiểu, Bảo Ngọc muốn lựa chọn câu chuyện đơn giản, vì những nơi gặp vấn đề này đều có trình độ học vấn thấp nên làm sao để dễ dàng kết nối nội dung đến mọi người là điều nhóm Bảo Ngọc nghĩ tới. Song, quốc gia mà nhóm lựa chọn để triển khai là Indonesia, nên các bạn còn lựa chọn lồng ghép thêm hình thức múa rối bóng truyền thống (Wayang) để có một hình ảnh gần gũi nhất với người dân ở nước họ. Nhờ đó, video được đánh giá cao về sự sáng tạo và bố cục mạch lạc.
Bảo Ngọc và bốn thành viên là sinh viên các trường đại học ở các quốc gia Đông Nam Á. |
Với tư cách là nhóm trưởng, Bảo Ngọc cho biết, cô là người lên kế hoạch và tổng hợp tất cả đầu việc để duyệt và kiểm tra. Trong quá trình tham gia dự án, theo Bảo Ngọc, vấn đề lớn nhất của nhóm chính là hạn chế về thời gian và ngôn ngữ. Cách biệt ngôn ngữ khiến cô và các bạn không thể giao tiếp với nhau liền mạch, nhiều lúc có ý tưởng nhưng lại mất khá nhiều thời gian để truyền tải và giải thích cho đồng đội.
“Nhóm mình luôn luôn trễ deadline và luôn gặp tình trạng "cháy" kịch bản nên mình nghĩ, vấn đề thời gian ảnh hưởng rất nhiều tới việc làm nhóm. Ngoài ra, có lẽ do khác biệt văn hóa nên mình cảm giác các bạn chưa được thân thiết với nhau lắm, mọi người bận bịu với công việc, đồng thời cũng rất khó để mở lòng với một người mà mình chưa từng gặp bao giờ. Nhưng cuối cùng, chúng mình đã vượt qua mọi khó khăn đó và tạo nên một thành quả tốt vượt ngoài mong đợi”, Bảo Ngọc nói.
Hành trình một tháng ở YASA 2024 đã cho Bảo Ngọc rất nhiều kỷ niệm, góc nhìn và kỹ năng mà cô chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Thông qua dự án, cô không chỉ đạt được thành tích cao, mà còn vượt qua được những nỗi sợ, tự ti về kiến thức, năng lực.