Không nỡ rời xa quê…
Phạm Ngọc Trình, sinh năm 2003, sống tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đã sớm quen với vị mặn của biển cả. Sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, Trình trở về và lập tức theo cha ra khơi, tiếp tục công việc của một ngư dân. “Ra quân được một thời gian ngắn là mình theo bố xuống tàu. Nghề này cực, nhưng hơn năm nay dần cũng quen rồi!”
Trình không phải trường hợp cá biệt. Tại nhiều làng biển ở Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam…, số lượng người trẻ quay về quê, theo nghề truyền thống đang dần tăng trở lại. Sau nhiều lần bước đi trên thảm cát trắng, Trình nghĩ: quê hương mình có biển, có nghề, có công việc – vậy thì tại sao phải đi xa?
![]() |
Dù biết nghề đánh bắt giữa biển khơi luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, nhưng Ngọc Trình vẫn lựa chọn, bởi anh tin rằng tuổi trẻ là để trải nghiệm và tìm kiếm bản thân mình. |
Gia đình Trình có truyền thống làm nghề biển. Cha của Trình là một ngư dân nhiều kinh nghiệm ở vùng Thịnh Long. “Bố không dạy lý thuyết. Mỗi lần đi biển là một lần học. Học cách quan sát bầu trời, xem mực nước, hiểu thời tiết, biết khi nào nên thả lưới, khi nào nên quay về.” Học nghề không qua trường lớp, không giáo trình hay ghi vở. Nhưng Trình học nhanh – vì đã quen với công việc, và vì thật sự trái tim đã yêu nghề vất vả này. Những kỹ năng cơ bản như vận hành máy tàu, đọc định vị, xử lý lưới bị rối… cậu đều đang học hỏi từng ngày.
![]() |
Trình học nhanh từ người cha, cũng là thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm ra khơi. |
Tự chọn cho mình một lối đi riêng
Trong mắt nhiều người, quay về quê, làm nghề truyền thống là “hết lựa chọn”. Nhưng với Trình, đó là một lựa chọn rõ ràng và có lý do. Cậu không theo số đông, không chạy theo ảo tưởng học đại học để “nở mày nở mặt”. Cậu chọn ở lại, sống một cách thật thà và ổn định.
Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức ngày càng khắt khe, nhiều người trẻ buộc phải định hướng lại nghề nghiệp. Đại học không còn là con đường duy nhất. Quan trọng là việc định hướng học nghề, học đúng và làm đúng với nhu cầu xã hội đang trở thành xu thế rõ ràng hơn bao giờ hết.
Câu chuyện của Trình không phải là câu chuyện cổ tích. Đó là một trường hợp thực tế, cho thấy: khi người trẻ hiểu mình muốn gì, có thái độ nghiêm túc với công việc, thì dù không có bằng đại học, họ vẫn có thể sống tốt và có ích.
Một con người bình thường làm những điều tử tế
Phạm Ngọc Trình không phải nhân vật của mạng xã hội. Cậu cũng không phải “người trẻ truyền cảm hứng”. Cậu chỉ là một thanh niên bình thường, chọn nghề từ trái tim và từ thực tế. Nhưng chính những người như Trình – âm thầm, lặng lẽ, bám biển mỗi ngày – lại đang góp phần giữ gìn sinh kế, gìn giữ truyền thống, và giữ lấy một phần chủ quyền thiêng liêng trên biển.
![]() |
Mỗi con người, mỗi nghề nghiệp đều xứng đáng được trân trọng, vì tất cả chúng ta đều đang góp phần xây dựng và phát triển đất nước. |
Trong một xã hội ngày càng đa dạng lựa chọn nghề nghiệp, điều quan trọng không nằm ở việc bạn làm nghề gì, mà là bạn có thực sự sống hết mình với nghề đó không. Một người lái tàu biển, một người thợ, một giáo viên, hay một nhân viên văn phòng – mỗi người đều xứng đáng được tôn trọng nếu công việc họ làm góp phần tạo ra giá trị tích cực và được thực hiện bằng trái tim và chữ tín.