Dương Khánh Huyền, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Mình thấy đây là một ý tưởng khá hay. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp thúc đẩy phát triển lối sống xanh, lối sống bền vững, đây là điều mà chúng ta vẫn nhắc đến trong nhiều năm qua. Việc cộng điểm rèn luyện sẽ giống như chất 'xúc tác', tạo động lực để các bạn sinh viên hăng hái tham gia hoạt động. Với những sáng kiến thiết thực như vậy, mình nghĩ nhiều trường đại học khác cũng nên áp dụng để khuyến khích sinh viên hướng đến lối sống bền vững hơn".
Khánh Huyền cho rằng việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp thúc đẩy phát triển lối sống xanh, lối sống bền vững. |
Nhiều sinh viên đánh giá phong trào này sẽ tạo ra cuộc "cách mạng" mới trong thói quen di chuyển của người trẻ nói chung. Bạn Nguyễn Minh Hạnh, sinh viên năm ba Học viện Ngân hàng bày tỏ quan điểm: “Phong trào này chắc chắn sẽ khuyến khích thêm nhiều người trẻ tham gia và hưởng ứng, nhất là những bạn trẻ có ý thức cao về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, với những bạn sinh viên đang cần cải thiện điểm rèn luyện, đây cũng là cơ hội tốt để vừa đạt được lợi ích cá nhân, vừa đóng góp cho xã hội. Sử dụng xe buýt giúp giảm chi phí di chuyển và còn tránh được nhiều phiền toái so với việc đi xe máy trong những khu vực nội đô đông đúc."
Đồng quan điểm với Hạnh, Nguyễn Trọng Huân, sinh viên năm cuối trường Đại học Xây dựng cho rằng sáng kiến này sẽ giúp giảm tải ùn tắc giao thông, đồng thời thúc đẩy thói quen và hành vi sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng trong giới trẻ: “Với những ai thường xuyên phải di chuyển qua các khu vực đông đúc, việc đi xe buýt sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc, áp lực khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong những giờ cao điểm. Ngoài ra, nếu được cộng thêm điểm rèn luyện, mình nghĩ sinh viên sẽ có thêm động lực để thường xuyên việc đi xe buýt thay vì sử dụng phương tiện cá nhân," Huân cho hay.
Trọng Huân cho rằng sáng kiến này sẽ giúp giảm tải ùn tắc giao thông, sồng thời thúc đẩy thói quen và hành vi sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng trong giới trẻ. |
Dương Đức Kiên, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ phong trào này khi nhìn từ góc độ sức khỏe cộng đồng: “Mình thấy việc sử dụng xe buýt không chỉ giúp giảm áp lực giao thông mà còn có lợi cho sức khỏe. Hít thở không khí ô nhiễm từ khói bụi xe máy hàng ngày không tốt cho sức khỏe đường hô hấp, đặc biệt với sinh viên như tụi mình, những người thường xuyên phải di chuyển nhiều từ nhà đến trường. Mình nghĩ cộng điểm rèn luyện là một cách hay để khuyến khích sinh viên lựa chọn xe buýt, góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng."
Dương Đức Kiên, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ phong trào này khi nhìn từ góc độ sức khỏe cộng đồng. |
Nhiều sinh viên cũng đưa ra đề xuất để lan tỏa và phát triển phong trào. Khánh Huyền gợi ý: “Để hoạt động này thực sự thu hút sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội nên tổ chức thêm các chương trình tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng giao thông công cộng. Đồng thời, trường có thể hợp tác với các đơn vị vận tải để cung cấp vé xe buýt với mức giá ưu đãi hơn cho sinh viên. Đồng thời, trường cũng có thể tổ chức thêm các sự kiện khen thưởng những bạn sinh viên nào tích cực hưởng ứng tham gia cũng có thể là một cách hay để khuyến khích phong trào."
Minh Hạnh cũng đề xuất cải thiện dịch vụ xe buýt để hoạt động được thực hiện một cách thuận lợi hơn. “Nếu các hãng xe buýt có thể tăng thêm số lượng chuyến vào giờ cao điểm hoặc cung cấp xe buýt sạch và tiện nghi hơn, sinh viên sẽ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi sử dụng. Ngoài ra, việc trường tổ chức những buổi tọa đàm về bảo vệ môi trường hay các cuộc thi liên quan đến việc sử dụng phương tiện công cộng cũng sẽ giúp hoạt động này lan tỏa rộng rãi hơn,” Hạnh nói thêm.
Trọng Huân chia sẻ thêm: “Trường có thể tổ chức những nhóm sinh viên đi xe buýt cùng nhau, tạo ra sự gắn kết giữa các bạn sinh viên. Thậm chí, nếu có các hỗ trợ tài chính như cung cấp thẻ xe buýt miễn phí hoặc giảm giá vé, mình tin rằng sẽ có rất nhiều bạn hào hứng tham gia.”
Việc cộng điểm rèn luyện cho sinh viên khi sử dụng phương tiện công cộng không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho các bạn trẻ, mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống văn minh, bền vững hơn. Những ý kiến và đề xuất từ sinh viên các trường đại học "hàng xóm" của Đại học Bách khoa đã cho thấy tiềm năng to lớn của phong trào này, mở ra hy vọng về việc mở rộng và lan tỏa mô hình ý nghĩa này trên toàn quốc.
Ảnh: NVCC
Việc đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên được thực hiện theo Thông tư 16 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đánh giá người học dựa trên các tiêu chí: ý thức học tập; chấp hành nội quy; tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao; quan hệ cộng đồng; tham gia công tác cán bộ lớp, các đoàn thể, tổ chức trong trường hoặc đạt thành tích đặc biệt.
Điểm rèn luyện được tính theo thang 100. Sinh viên đạt từ 90 đến 100 được xếp loại xuất sắc, 80 đến dưới 90 - tốt, 65 đến dưới 80 - khá, 50 đến dưới 65 - trung bình, còn lại là yếu và kém. Điểm này được dùng để xét duyệt học bổng, xét khen thưởng - kỷ luật, xét thôi học, ở ký túc xá và các ưu tiên khác, tùy từng trường. Đây cũng là căn cứ để xét sinh viên thi hay làm khóa luận tốt nghiệp. Thông thường, các đại học công bố danh sách hoạt động được tính điểm rèn luyện, chủ yếu là tham gia hội thảo, đi tình nguyện, hiến máu nhân đạo...