Nhóm B-Wings gồm hai thành viên là Nguyễn Duy Khang (trưởng nhóm dự án, năm cuối, ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, trường ĐH Cần Thơ) và Dương Thị Mỹ Hồng (năm thứ hai, ngành Kinh doanh quốc tế, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM).
Về lý do quyết định thử sức tại đấu trường “ESG Ambassador 2024”, Duy Khang cho biết, mục tiêu xuyên suốt từ khi bắt đầu dự án tới hiện tại và cho cả tương lai, đó là lan tỏa dự án đến nhiều người hơn, đặc biệt là cộng đồng người khiếm thị. Nhóm mong rằng, dự án không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ mà còn tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người khiếm thị.
Dự án “Thiết bị cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị” là một giải pháp công nghệ hỗ trợ cho người khiếm thị, hướng đến sự phát triển bền vững. Thiết bị sử dụng cảm biến laser có thể phát hiện chướng ngại vật ở phía trước của người sử dụng với độ chính xác và độ nhạy cao. Dữ liệu thu thập được là khoảng cách từ người sử dụng đến vật cản phía trước và sẽ thông báo cho họ biết bản thân cách vật cản bao nhiêu mét. Điều đó mang lại sự tự tin và an toàn cho người khiếm thị trong lúc di chuyển. Bên cạnh đó, tín hiệu cảnh báo cho người dùng là tín hiệu rung nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các giác quan còn lại của họ.
Thiết bị phát cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị. |
Ý tưởng phát triển thiết bị cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị mang đến cuộc thi đến từ Duy Khang và Huỳnh Ngọc Hiếu (một bạn khiếm thị và cũng là thành viên của B-Wings). Khang và Hiếu có cơ duyên gặp nhau trong một buổi workshop tại TP. HCM, sau khi nghe Hiếu chia sẻ những bất tiện trong lúc học tập và sinh hoạt của mình và mong muốn có được một công cụ hỗ trợ, Khang đã tìm hiểu và phát triển những phiên bản đầu tiên của thiết bị để thử nghiệm và cải tiến dần trong tương lai.
Đối với nhóm, chiến thắng là động lực để biến những mục tiêu và mong muốn ngày càng gần với thực tế. Bên cạnh đó, khi càng tiến sâu vào các vòng thi, Khang càng nhận ra giá trị thực của “chiến thắng”. “Chiến thắng không phải là danh hiệu đạt được, mà là cơ hội để dự án được hiện thực hóa, mở rộng quy mô và tiếp tục phát triển. Việc dự án thành công không chỉ là kết quả cá nhân, mà còn là trách nhiệm cộng đồng – khi nhiều người có thể được hưởng lợi từ những nỗ lực của nhóm”, Duy Khang nói.
Chức năng và cách thức hoạt động của thiết bị cảnh báo chướng ngại vật. |
Mỹ Hồng cho biết, tuy không phải là thành viên tham gia dự án từ những ngày đầu thai nghén nhưng cô nhìn thấy được đam mê và lý tưởng của mình ở dự án này.
“Đó là lý do mình tham gia và luôn tâm huyết với dự án. Mình tin vào những giá trị mà dự án sẽ mang tới với cộng đồng, đó chính là giúp đỡ và cải thiện cuộc sống của những người khiếm thị”, Mỹ Hồng bày tỏ.
Trong quá trình thực hiện, nhóm đã gặp nhiều khó khăn và phải học rất nhiều thứ, như việc thiết kế thiết bị làm sao vừa đảm bảo đúng mục tiêu về chất lượng, vừa giữ được giá bán phù hợp và tiếp cận được đến với nhiều người nhất. Bên cạnh đó, nhóm còn phải học cách lên kế hoạch, truyền thông, trình bày dự án trước đám đông, quản lý tài chính và nhiều kỹ năng khác để vận hành dự án một cách hiệu quả.
Duy Khang và Mỹ Hồng trong quá trình thực hiện dự án. |
“Nhìn lại, điều khiến nhóm tự hào nhất không chỉ là dự án, mà là sự nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết của đội. Mọi người đều không ngại khó khăn, luôn sẵn sàng học hỏi, và chung một lý tưởng đó là mang lại những thay đổi tích cực và giá trị bền vững cho cộng đồng”, Duy Khang tâm sự.
Sau khi dự án "Thiết bị cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị" chiến thắng tại cuộc thi ‘ESG Ambassador 2024’, Duy Khang cho biết, nhóm đã không giấu nổi niềm hạnh phúc, tự hào và biết ơn. Nhóm đã vượt qua mọi thử thách để hoàn thành dự án và giành chiến thắng. Điều quan trọng nhất là nhóm đã không bỏ cuộc, luôn kiên trì và cố gắng hết mình cho dự án này.
Duy Khang cũng chia sẻ, anh rất háo hức chờ đợi chuyến đi Thái Lan sắp tới, nhưng cũng có chút hồi hộp và lo lắng vì đây là một hội nghị lớn, với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ESG từ nhiều quốc gia trong khu vực. Nhưng được đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị chuyên đề ESG là một vinh dự lớn. Khang hy vọng, chuyến đi này sẽ mang lại nhiều kiến thức, trải nghiệm mới để có thể tiếp tục nỗ lực phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng.
"Nhóm vẫn tiếp tục phát triển dự án “Thiết bị cảnh báo chướng ngại vật cho người khiếm thị” và mong muốn dự án sẽ tiếp cận được nhiều người thuộc cộng đồng người khiếm thị trong tương lai. Đồng thời, nhóm sẽ thực hiện thêm những dự án mới phục vụ người yếu thế và góp phần bảo vệ môi trường", Duy Khang chia sẻ.