Sinh viên cẩn trọng với những ‘bẫy lừa’ khi thuê trọ

SVVN - Năm học mới cận kề là lúc nhiều sinh viên chuẩn bị đổ về các thành phố lớn để nhập học. Nhu cầu tìm kiếm phòng trọ tăng cao cũng là lúc nhiều 'cái bẫy' lừa đảo được giăng ra.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Giờ giấc tự do, có thể tự nấu ăn, không gian sống riêng tư, là những ưu điểm nổi trội mà những ‘cò’ nhà trọ đưa ra khi đăng tin cho thuê trọ. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo cũng đánh vào tâm lý tài chính eo hẹp của sinh viên mà đưa ra những lời chào mời hấp dẫn về giá thuê, khiến sinh viên dễ dàng sập bẫy.

Những chiêu trò lừa đảo sinh viên thường gặp nhất có thể kể đến: Đăng phòng đẹp, giá rẻ nhưng thực tế khác xa; tìm người ở ghép rồi yêu cầu đặt cọc giữ phòng; tăng chi phí hằng tháng bất thường; cho thuê phòng đã có “đủ đồ”; đăng bài thuê nhà giá rẻ nhưng khi hỏi thì báo hết phòng chỉ còn phòng giá cao hơn; không ghi rõ giá điện, nước, phí gửi xe…

Sinh viên cẩn trọng với những ‘bẫy lừa’ khi thuê trọ ảnh 1
Nhiều bạn sinh viên có mong muốn tìm được chỗ trọ giá thành rẻ, tiện nghi.

Chia sẻ về câu chuyện đi thuê nhà trọ của mình, Thái Hoàng Phúc (năm cuối, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết, anh đã gặp nhiều khó khăn từ lúc tìm trọ trên mạng xã hội đến lúc đi xem trực tiếp.

Khi tìm kiếm trên mạng xã hội, Phúc đọc được rất nhiều bài đăng cho thuê trọ với giá rất rẻ. “Nhưng khi mình nhắn tin hỏi thăm về căn trọ đó thì bên môi giới lại nói là không còn căn phòng loại đó, chỉ còn loại khác giá cao hơn, mặc dù bài đăng mới có 2 phút thì mình đã nhắn hỏi thông tin rồi”, Phúc cho biết.

Đến lúc được hẹn đi xem phòng, Phúc “tá hỏa” khi nhìn thấy ảnh phòng thực tế quá khác so với ảnh được đăng, điều này khiến Phúc phải mất thời gian tìm lại một nơi ở mới. Bên cạnh đó, Phúc cũng nói từng gặp phải trường hợp khi chuẩn bị ký hợp đồng thuê trọ thì phát sinh rất nhiều chi phí mà trước đó không được thông báo trước.

“Có lần, mình xem một khu trọ ở quận 8, giá chỉ 2,8 triệu đồng. Phòng rất rộng rãi, đúng ý mình. Nhưng lúc làm hợp đồng thì chủ trọ mới nói thêm phí dịch vụ 200.000 đồng/người, phí giữ xe 200.000 đồng/chiếc. Điện 4.000 đồng/số, nước 20.000 đồng/khối. Giá đội lên gần 500.000 đồng, điều này quá sức với mình nên mình đã hủy hợp đồng”, Phúc chia sẻ.

Sinh viên cẩn trọng với những ‘bẫy lừa’ khi thuê trọ ảnh 2
Bảng cho thuê trọ được dán nhiều ở các con hẻm.

Kể về trải nghiệm đi tìm trọ, Lại Tô Hoàng Huy (năm cuối, trường ĐH KHXH&VN, ĐHQG TP. HCM) tâm sự, sau khi tìm và chốt được một nơi ở ưng ý với người cho thuê trọ theo dạng ở ghép thì nhận được đề nghị chuyển tiền ngay. Tuy nhiên, Huy đã nhắn tin hẹn khi nào chuyển đồ sang thì sẽ chuyển tiền sau và ngay trong đêm, Huy nhận được tin nhắn phản hồi hủy trọ không lý do từ người cho thuê.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo mới tinh vi hơn. Như việc cho thuê quá số người cho phép hay việc thuê phòng từ chủ nhà rồi đứng tên mình cho người khác thuê với giá cao. Đặc biệt, các thuật ngữ như duplex, phòng studio được sử dụng tràn lan, dễ gây nhầm lẫn cho người thuê, nếu không tìm hiểu kỹ, sinh viên dễ rơi vào những cái bẫy đã giăng sẵn.

Cẩn thận, tỉnh táo khi thuê trọ

Theo Hoàng Phúc, trước khi thuê phòng, sinh viên cần tìm hiểu thông tin thật kỹ từ chủ nhà cũng như những người dân xung quanh khu trọ để tránh bị lừa đảo. Đặc biệt, cần trang bị cho mình cả kiến thức lẫn sự cảnh giác cần thiết khi bắt đầu tìm hiểu và thuê nơi ở.

Sinh viên cẩn trọng với những ‘bẫy lừa’ khi thuê trọ ảnh 3

Nhiều bài đăng trên các hội, nhóm cảnh báo cho sinh viên về việc có thể bị lừa đảo khi thuê trọ.

"Khi thuê phòng, sinh viên cần yêu cầu người cho thuê dẫn xem phòng trực tiếp và kiểm tra cẩn thận phòng trọ trước khi tiến hành đặt cọc. Ngoài tiền thuê nhà thì các khoản tiền điện, nước, Internet, gửi xe... cũng phải được xác nhận kỹ, tránh phát sinh các chi phí ngoài tầm kiểm soát", Hoàng Phúc chia sẻ.

Với kinh nghiệm ở trọ của mình, Hoàng Huy đưa ra lời khuyên, khi ký hợp đồng, sinh viên phải đọc kỹ và yêu cầu liệt kê tất cả chi phí hằng tháng vào hợp đồng. "Xem kỹ thông tin về ngày tháng, các điều khoản quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên và cả hai bên phải cùng ký. Tuyệt đối không “thỏa thuận miệng” mà phải có đầy đủ giấy tờ. Trong trường hợp đặt cọc thì phải có thỏa thuận ghi nhận rõ ràng, giấy đặt cọc phải có chữ ký của của hai bên", Hoàng Huy nói.

Cũng theo Hoàng Huy, nếu là tân sinh viên, cần liên hệ và nhờ sự giúp đỡ tìm trọ từ người quen đáng tin cậy, hoặc các tổ chức Đoàn, Hội, trung tâm hỗ trợ tìm địa chỉ phòng trọ an toàn…

"Khi tìm nhà trọ, sinh viên nên tìm các khu trọ có vị trí và tình trạng an ninh tốt. Có thể khảo sát thêm những khu nhà trọ tương tự xung quanh để biết được mức giá trung bình, tránh tình trạng bị “hét” giá", Hoàng Huy 'bật mí'.

Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM từng đưa ra cảnh báo cho sinh viên về việc hiện nay có nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của tân sinh viên để lừa gạt. Trung tâm cũng đưa ra các giải pháp giúp sinh viên tìm nhà trọ an toàn, như phải xác định khu vực mình cần thuê phòng, khảo sát nhiều nhà trọ khác nhau, trực tiếp đi xem phòng và chú ý về an ninh của khu vực thuê trọ...

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Hàng nghìn chỗ trọ uy tín dành cho tân sinh viên TP. HCM

Hàng nghìn chỗ trọ uy tín dành cho tân sinh viên TP. HCM

SVVN - Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP. HCM cho biết, hiện trung tâm đã và đang tiếp nhận hơn 2.200 chỗ trọ thuộc 600 địa chỉ nhà trọ và giới thiệu hệ thống 15 ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Mức giá thuê trung bình từ 2,5 - 4 triệu đồng/phòng/tháng, dành cho 2 - 3 người ở.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).