Thưa chị Thi Thảo, trong cuốn sách chị vừa ra mắt Từ 0 đến vô cùng, chị có kể nhiều về quãng thời gian sinh viên của chị và chị cũng đã đi làm thêm từ rất sớm. Chị có lời khuyên gì đến các bạn sinh viên đang băn khoăn giữa việc đi làm thêm hay chỉ tập trung học ở Trường cho thật giỏi?
Chị Thi Thảo: Mỗi người sẽ có một lựa chọn tốt nhất cho chính bản thân mình tùy theo mục tiêu bản thân, chuyên ngành học và hoàn cảnh gia đình. Khi tôi học đại học, vì gia đình nghèo nên tôi phải làm việc để phụ bố mẹ và tự lo cho bản thân. Tôi học chuyên ngành kinh tế, nên việc trải nghiệm làm thêm khi còn sinh viên sẽ giúp tôi có nền tảng tốt để khi xin việc tôi cũng có lợi thế hơn về kinh nghiệm, kiến thức và sự tự tin. Tôi cũng có thiên hướng thích thực tế hơn là lý thuyết nên tôi chủ động tìm kiếm môi trường ứng dụng những gì mình học vào công việc để nhớ lâu hơn. Và tôi cũng không học giỏi xuất sắc, nên tôi ý thức được rằng muốn có cơ hội tốt hơn các bạn IQ cao thì tôi phải có EQ cao và chỉ số vượt khó cao thì một cô gái quê mới tồn tại và thành công nơi thành phố đầy cạnh tranh khốc liệt.
Chị Thi Thảo trong lễ ra mắt sách Từ 0 đến vô cùng tại Hà Nội. |
Tóm lại, bạn cần phải tạo sự khác biệt, còn bằng cách nào là do bạn chọn. Nếu thấy mình có thể xuất sắc trong việc học thì hãy cứ tập trung nếu như học xuất sắc có thể giúp bạn thành công xuất sắc với mục tiêu trong tương lai. Còn nếu như bạn thấy bạn cần phát triển kĩ năng và tạo sự khác biệt thì hãy cân bằng giữa việc học và làm thêm, học thêm để trang bị cho mình thêm những kinh nghiệm trước khi ra trường. Điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều đấy!
Chị cảm thấy hối tiếc nhất điều gì đã không làm thời sinh viên?
Chị Thi Thảo: Điều hối tiếc nhất trong thời sinh viên là mình đã không biết đến những lớp học kĩ năng NÓI. Mình có đọc một lời chia sẻ của 1 tỉ phú: “Nếu có thể quay lại thời còn trẻ, tôi sẽ tập trung học 2 kĩ năng: NÓI và VIẾT”. Viết thì mình học tốt từ thời phổ thông nhưng nói thì rất kém. Mãi sau này khi đi làm, mình mới đi học lớp MC, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng bán hàng, đàm phán... Lúc đó ước gì mình có thể học những kĩ năng này ngay từ thời sinh viên.
Theo chị, quãng thời gian là sinh viên giữ vai trò quan trọng như thế nào trong sự nghiệp của chị sau này?
Chị Thi Thảo: Quãng thời gian sinh viên là nền tảng cho sự thành công tương lai của tôi. Kỹ năng mình rèn từ thời sinh viên giúp tôi tự tin vượt qua mọi ứng cử viên để có thể có công việc mức thu nhập 1.000 đô khi mới ra trường mà không cần tới bằng Đại học. Các doanh nghiệp cần năng lực của bạn hơn là tấm bằng Đại học, khi bạn có những khả năng mà người khác cần, thậm chí họ không cần hỏi bạn học chuyên nghành gì, bằng khá hay bằng giỏi luôn. Mình là trường hợp tương tự, tới giờ chưa bao giờ mình cầm bằng Đại học đi xin việc hết. Cũng nhờ thời sinh viên lăn xả đủ vai trò nên khi ra trường vốn kiến thức cũng kha khá để hơn các bạn đồng trang lứa. Vậy nên công việc mới thuận lợi. Mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện không có việc để làm mà chỉ nghĩ đến chuyện nhiều việc quá không biết chọn gì để làm và phân bổ thời gian ra sao để làm mà thôi. Rất nhiều cơ hội đến với mình và mình tự tạo ra cơ hội kể cả trong lúc khó khăn nhất, như giai đoạn COVID-19 chẳng hạn.
Chị Thi Thảo là cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. |
Cuốn sách của chị có chủ đề chính là kết nối. Điều gì là quan trọng nhất để có thể kết nối thành công?
Chị Thi Thảo: Điều quan trọng nhất để kết nối, xây dựng mối quan hệ thành công là sự CHÂN THÀNH. Nếu mình tư lợi, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mà không nghĩ đến người khác thì chắc chắn không bao giờ có được những mối quan hệ bền vững được. Còn nhiều yếu tố khác nữa mọi người có thể đọc Từ 0 đến vô cùng để khám phá những bí quyết nhỏ mang lại hiệu quả lớn trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội nhé!
Sinh viên năm cuối làm thế nào để có được những mối quan hệ chất lượng phục vụ công việc trong tương lai gần?
Chị Thi Thảo: Với sinh viên năm cuối, bạn chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để bắt đầu đi làm. Các bạn sinh viên hiện tại rất năng động, mình đã từng làm huấn luyện viên, giám khảo cho các chương trình sinh viên và thấy rằng hiện tại cơ hội để các bạn kết nối nhiều hơn ngày xưa rất nhiều. Các bạn có thể tích cực tham gia vào hoạt động của các câu lạc bộ hoặc các cuộc thi sinh viên để gây ấn tượng với doanh nghiệp, nhà tài trợ, giám khảo. Có thể cơ hội sẽ nằm ở ngay các chương trình các bạn tổ chức. Ngoài ra, các lớp học kĩ năng bên ngoài cũng rất nhiều mối quan hệ tốt. Trong các lớp học thuyết trình mình giảng dạy thường có cả chủ doanh nghiệp và sinh viên. Vậy nên đi học cũng là cách để tiếp xúc với các mối quan hệ chất lượng.
Chị Thi Thảo trong lễ ra mắt sách Từ 0 đến vô cùng tại TP.HCM. |
Tham gia các chương trình tình nguyện, từ thiện hoặc các cộng đồng cũng giúp các bạn kết nối thêm với nhiều người. Tuy nhiên phải học cách để có thể tạo ấn tượng và kết nối sâu hơn. Bạn cũng cần nâng cao năng lực bản thân và trở nên có ích ở nơi nào bạn có mặt. Xin thực tập sớm tại các doanh nghiệp cũng là cách để kết nối trước khi ra trường. Bạn cứ cho trước để học hỏi, trưởng thành hơn và khi đủ năng lực có khi doanh nghiệp sẽ cần và giữ bạn ở bên.
Cảm ơn chị!