Cao Tuấn Kiệt (thành viên nhóm Newbies) cho biết, giai đoạn đầu, nhóm gặp phải khó khăn trong việc tối ưu đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm của xe. “Để giải quyết vấn đề trên, nhóm đã tác động trực tiếp đến phần cứng giúp xe có góc rẽ lớn hơn (sửa lại bộ steering) đồng thời sử dụng một loại camera khác có góc cam rộng hơn. Bên cạnh đó, nhóm thay thế pi 4 bằng Jetson Xavier NX để có thể chạy mô hình deep learning mạnh hơn cũng như tốt hơn cho tác vụ xử lý thông tin trên đường đi của xe”, Tuấn Kiệt nói.
Theo ThS Phạm Trần Đăng Quang (khoa Kỹ thuật Giao thông, giảng viên hướng dẫn nhóm), các thành viên có sự phân chia công việc tốt, mỗi bạn phụ trách một mảng chính như nhận diện và phân tích dữ liệu; quản lý và định vị vị trí; quyết định và điều khiển; điều chỉnh và phát triển...
Để chuẩn bị cho cuộc thi sắp tới tại Romania, nhóm Newbies dự định xây dựng một sa bàn tương tự với sa bàn của Ban Tổ chức để thuận tiện hơn cho việc phát triển xe, đảm bảo xe có thể xử lý được phần lớn thử thách gặp phải. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ nâng cấp thuật toán về xử lý đường đi, nhận dạng chướng ngại vật và tương tác giữa xe với môi trường.
Các thành viên nhóm Newbies. |
Trong cuộc thi năm 2023, có 119 đội đăng kí dự thi đến từ các quốc gia khắp nơi trên thế giới. Sau vòng phỏng vấn đã có 74 đội đạt yêu cầu nhận được bộ kit mô hình xe RC tỷ lệ 1:10 do Bosch tài trợ, trong đó có 11 đội tuyển Việt Nam.
Để được chọn vòng Chung kết, các đội phải thực hiện lập trình theo các yêu cầu bao gồm: Giữ làn đường; Qua ngã tư giao cắt; Hoàn thành thao tác khi có các dấu hiệu như biển báo dừng – xe phải dừng ít nhất 3 giây; biển báo dành cho người đi bộ sang đường - ô tô phải giảm tốc độ rõ ràng và nếu có người đi bộ băng qua, ô tô phải dừng lại; Biển báo đường ưu tiên - hoạt động bình thường, ô tô đang đi trên đường ưu tiên và bất kỳ phương tiện nào đi từ đường không ưu tiên phải dừng lại; Biển báo đậu xe - được nhận diện trước và sau bãi đậu xe và nếu trống có thể được sử dụng để thực hiện thao tác đỗ xe.