Bộ sách gồm hai cuốn Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ và Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller. Trong đó, Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ là câu chuyện về người thầy nhập cư gốc Bolivia đã đưa hơn 400 học sinh vào các trường đại học danh giá nhất nước Mỹ. Còn Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller lại mang đến câu chuyện cảm động về tình thầy trò của một cô giáo đã nỗ lực dùng tình yêu, sự kiên trì của mình để giáo dục cô bé khiếm thị, khiếm thính giành học vị Cử nhân Nghệ thuật.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books, đơn vị xuất bản hai cuốn sách này - cho biết bộ sách được thực hiện hướng đến dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với mong muốn lan tỏa đến nhiều thầy cô và cả các em học sinh động lực để vươn lên trong giảng dạy và học tập, bởi đây là hai cuốn sách viết về câu chuyện của những người thầy, người cô đã làm nên điều kỳ diệu cho nền giáo dục xứ cờ hoa.
Bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - chia sẻ tại chương trình. |
Tại buổi ra mắt sách, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ bản thân ông đã đi thăm nhiều trường đại học ở Mỹ và biết rằng để vào được những trường đại học đó là điều khó vô cùng. Đặt chân vào Đại học Harvard, MIT hay Standford dường như là “giấc mơ không hề nhỏ của đa số thanh niên Mỹ”.
“Khi đọc cuốn Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ, tôi thấy ấn tượng và ngưỡng mộ vì những học sinh của thầy Jaime Escalante phần lớn là người nhập cư, gia cảnh nghèo khó nhưng họ đã vượt qua bao khó khăn, dưới sự giảng dạy của thầy Jaime Escalante, để đặt chân vào những trường đại học danh tiếng ở Mỹ”, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng nói.
Cũng tâm đắc với cuốn sách này, TS Nguyễn Quang Đông - giảng viên, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Thái Nguyên - cảm thấy sau khi đọc sách, ông như được truyền cảm hứng và nhận ra bản thân cần có thêm niềm say mê với nghề, động lực, nhiệt huyết để có thể làm tốt hơn công việc mà mình đang theo đuổi.
Diễn viên Charlie Winston và GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng. |
Là một người Mỹ có niềm say mê đọc sách, diễn viên Charlie Winston cho hay ở đất nước anh, Jaime Escalante được biết đến là một người thầy vĩ đại và rất nổi tiếng với môn Toán. Câu chuyện này đã được Hollywood dựng thành phim Stand and Deliver (Đừng bao giờ nghĩ học trò mình ngu dốt) gây tiếng vang toàn cầu, trở thành câu chuyện được hầu hết người Mỹ biết tới.
“Thầy Jaime Escalante không chỉ dạy học trò biết con số, mà còn dạy các em biết hi vọng và tin vào những gì mình có thể làm được. Cuốn sách Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ là nguồn ánh sáng tiếp năng lượng cho thế hệ sau đương đầu với những thử thách lớn nhất trong đời mình”, Charlie Winston nói.
Cũng là người từng xem bộ phim Stand and Deliver, diễn viên Charlie cho biết anh cảm thấy rất ấn tượng về phương pháp giáo dục của thầy Jaime Escalante. Anh cũng cho rằng dù là phim ảnh, sách báo hay bất kì loại hình nghệ thuật nào thì cũng đều thể hiện một thông điệp: Chỉ cần gia đình và giáo viên trao hi vọng, trẻ em nào cũng có thể biến hi vọng đó thành hiện thực.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), ngôi trường nổi tiếng trong công tác giáo dục trẻ khiếm thính - cho hay bản thân thầy từng dạy các học sinh khiếm thính và thấu hiểu được nỗi khó khăn của các thầy cô khi giáo dục những đứa trẻ kém may mắn đó.
“Do không nghe và nói được nên các em gặp trở ngại trong vấn đề giao tiếp và tiếp nhận tri thức. Với bộ sách về nhà giáo này, tôi cảm nhận được những nỗ lực của các tấm gương thầy cô đã dùng phương pháp giáo dục hướng đến từng nhóm đối tượng học sinh, đặt mục tiêu và kiên trì thực hiện mục tiêu đó. Câu chuyện về họ chính là nguồn cảm hứng để những người thầy chúng tôi noi theo”, thầy Phạm Văn Hoan bày tỏ.
Trong khi đó, TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - chia sẻ trong cuốn sách Quý cô nóng nảy: Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller, bà thực sự ấn tượng bởi cô giáo Anne Sullivan - người đã nỗ lực dạy dỗ cô bé khiếm thị, khiếm thính Helen Keller thành tài.
Sau này, Helen Keller được hậu thế nghiêng mình vì chính thức trở thành người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân Nghệ thuật và còn là diễn giả, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Bằng tình yêu thương, cô Anne Sullivan đã làm nên một huyền thoại trong giáo dục Mỹ. Câu chuyện này trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những người khuyết tật.
Hai câu chuyện có thật về tình thầy trò cùng phương pháp giáo dục đặc biệt được kể trong bộ sách này hứa hẹn mang đến cho thầy cô động lực để làm nghề, nhất là trong dịp tôn vinh các nhà giáo đang đến gần.