Người mẹ trang điểm làm đẹp cho con gái trước khi vào lễ hội Hồ Sự Chà
Mỗi năm người Hà Nhì tổ chức ăn tết, nhà nào cũng mổ lợn và làm bánh dày để dâng cúng tổ tiên. Trong Tết “Hồ Sự Chà”, bánh dày là món không thể thiếu và cũng là lễ vật dâng cúng ông bà vào sáng ngày đầu tiên của năm mới.
Lá chuối và bột nếp để giói bánh dày phục vụ lễ hội Hồ Sựu Chà
Làm bánh dày mất rất nhiều công đoạn, được cả nam và nữ trong gia đình cùng làm. Chủ nhà sẽ đảm nhiệm việc cúng, người vợ và các con làm bánh dày. Vì vậy, ngay từ khi con gà rừng chưa cất tiếng le te báo sáng, các bà mẹ đã đánh thức con gái, con dâu dậy để giã bánh dày, khắp bản vang lừng tiếng chày nhộn nhịp.
Một số lễ vật dâng cúng đã chuẩn bị sẵn
Sau khi giã bánh xong, gia chủ chuẩn bị 3 chiếc bánh dày để dâng cúng tổ tiên bên nội và bên ngoại. Không gian thờ của người Hà Nhì chính là trong phòng ngủ của vợ chồng gia chủ. Bàn thờ bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường ngủ của vợ chồng chủ nhà. Còn bàn thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp. Bàn thờ chỉ là một chiếc giỏ đan bằng tre rất nhỏ hoặc một chiếc que cắm vào vách tường. Gia chủ khấn: “Năm cũ đã qua, năm mới đến con cháu có bánh dày dâng cúng tổ tiên ăn trước. Tổ tiên phù hộ năm mới gia đình khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…”
Cúng xong chủ nhà chia cho mỗi thành viên trong gia đình một ít bánh dày ăn để lấy may. Sau lễ cúng bánh dày, mọi người tập trung mổ lợn dâng cúng tổ tiên. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua làm ăn được, mùa màng bội thu. Bởi thế đây thường là những con lợn đã được chủ nhà dày công chăm sóc trong cả năm qua, nhiều con nặng tới hơn một tạ. Chủ nhà gọi một số anh em đến bắt và giúp mổ lợn. Anh em đến giúp ai cùng hồ hởi, vui mừng. Trước khi mổ lợn, chủ nhà bảo các con mang lợn ra trước cửa nhà đồng thời báo với tổ tiên: “Các con cháu đang bắt về một con lợn, chuẩn bị làm thịt để mời tổ tiên …”.
Mổ lợn xong, người ta lấy lá gan đặt lên một cái mẹt úp ngược để chủ nhà cùng anh em họ hàng xem bói, đoán vận may rủi trong năm mới. Nếu lá gan có màu sắc tươi hồng và túi mật căng, tròn, đầy thì năm đó gia đình gặp nhiều may mắn, khỏe mạnh và làm ăn phát triển. Ngược lại, bộ gan có màu không như mong muốn và túi mật cong, nhỏ (trường hợp này rất ít) thì báo hiệu năm đó có điềm không tốt.
Những thành viên tham gia lễ hội nâng rượu chúc nhau
Sau khi xem xong lá gan, chủ nhà cùng vợ con vào bếp chế biến các món ăn để dâng cúng tổ tiên. Lễ vật dâng lên cúng mời tổ tiên bên nội và bên ngoại gồm: rượu, thịt, cơm, gạo, một đĩa ớt và muối. Chủ nhà khấn: “Năm cũ đã qua, năm mới đến, con cháu có rượu thịt dâng cúng tổ tiên ăn trước. Tổ tiên phù hộ, năm mới gia đình khỏe mạnh, làm ăn phát đạt…” Cúng xong, chủ nhà chia cho các thành viên trong gia đình mỗi người một miếng để lấy may đầu năm mới. Ngoài ra chủ nhà cũng lấy bát cháo loãng cùng một ít thịt rải ra ngoài sân mời những linh hồn “chết xấu” không được vào nhà.
Mọi người lấy tăm chọc vào lá gan lợn để đoán vận may
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, mọi người cùng chúc nhau năm mới khỏe mạnh, có nhiều ngô lúa, nuôi được lợn béo… Khách đến nhà, chủ nhà đón tiếp niềm nở, bảo vợ, con bày mâm rượu thịt đón khách. Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón và có thể đến thăm, cùng nhau ăn uống và chúc tụng cho nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe. Nhà càng đông, mâm cỗ càng dài, trước khi ăn vợ chủ nhà bao giờ cũng hát vài câu mời khách nhập cuộc vui.
Khi rượu đã ngà ngà, cả gia chủ và khách cùng nhau múa. Cả bản, tiếng trống chiêng rộn vang cùng tiếng nói cười vui vẻ. Có những cuộc vui kéo dài đến tận khuya mà chẳng ai muốn về.