Quyết tâm theo đuổi ước mơ
Hồng Nhật vốn là cựu sinh viên chuyên ngành Kế hoạch, khoa Kế hoạch và Phát triển, trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, anh đã được trao 3 học bổng thạc sĩ toàn phần Chính phủ, cụ thể là: Học bổng 'Invest your talent in Italy' (Ý), Học bổng 'VLIR-UOS Scholarship' (Bỉ) và Học bổng 'Manaaki New Zealand Scholarship' (New Zealand) trong năm 2023.
Chỉ trong vòng một năm, Võ Hồng Nhật đã giành được ba học bổng toàn phần Chính phủ bậc thạc sĩ của Ý, Bỉ và New Zealand. Ảnh: NVCC |
Vào cuối tháng 1 vừa qua, Nhật đã quyết định lên đường đến New Zealand theo học thạc sĩ ngành Nghiên cứu phát triển của ĐH Victoria Wellington theo học bổng Manaaki New Zealand Scholarship từ Chính phủ nước này. Được biết, suất học bổng này có giá trị 2,7 tỷ đồng cho hơn hai năm học, bao gồm chi phí học tập, sinh hoạt.
Nhật cho biết ý định đi du học đã được nhen nhóm từ khi còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, vì khác với định hướng của phụ huynh muốn anh kiếm việc ổn định trong nước, Nhật đã thực hiện dự định trong âm thầm, không ai biết. Bắt đầu từ tháng 8/2022, Nhật đã xin nghỉ công việc tại một tổ chức phi chính phủ để toàn tâm toàn ý chuẩn bị hồ sơ xin học bổng.
Chia sẻ về hành trình theo đuổi ước mơ du học, Nhật nói rằng: “Quá trình chuẩn bị cho học bổng du học không phải luôn là một chặng đường bằng phẳng và màu hồng. Nó đòi hỏi mỗi ứng viên cần kiên định với mục tiêu và sẵn sàng đối diện với thất bại”.
Trong hành trình săn học bổng, Nhật đã từng bỏ lỡ cơ hội với học bổng 'GLODEP' của Erasmas Mundus, khi phải dừng lại ở danh sách chờ sau vòng phỏng vấn. Đã có lúc Nhật nản chí và tự nghi ngờ về năng lực của bản thân. “Trạng thái đó thật sự không dễ chịu”, Nhật chia sẻ.
Trong những thời điểm khó khăn, Nhật thường tìm đến những lời khuyên của mentor (người dẫn dắt) và những tiền bối đi trước, đồng thời tự nhắn nhủ với bản thân rằng, mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp: “Có thể bạn chưa đạt được kết quả mong muốn trong lần nộp đầu tiên hoặc ngay cả với những lần nộp trong năm đầu tiên nhưng nếu nỗ lực và kiên định với mục tiêu, tích lũy những phẩm chất cần thiết cùng định hướng của người đi trước, cuối cùng bạn sẽ đạt được kết quả xứng đáng với nỗ lực bỏ ra”.
Nhật cùng các ứng viên Việt Nam giành học bổng 'Manaaki New Zealand Scholarship' năm 2023. Ảnh: NVCC |
Bí quyết săn học bổng
Trải qua chặng đường săn học bổng đầy gian lao, giờ đây, Nhật đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích để chia sẻ lại cho những ai có cùng chí hướng.
Sơ yếu lý lịch (CV) là một phần tối quan trọng để xin học bổng. Để có được bản CV có sức thuyết phục là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Ngay từ thời đại học, Nhật đã có ý tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu khoa học và ghi chép lại đầy đủ, tỉ mỉ để làm tư liệu cho sau này.
Bảng thành tích của Nhật được đánh giá khá mạnh, với GPA 3.75/4, IELTS 7.0, từng giành giải Khuyến khích Sinh viên nghiên cứu khoa học, là đồng tác giả hai bài báo đăng trên tạp chí uy tín thuộc ISI và ACI, cùng 4 bài tham gia hội thảo trong và ngoài nước.
“Trong bản CV, bạn không nên chỉ liệt kê tên hoạt động mà phải viết rõ vị trí từng đảm nhận, hoạt động bạn tham gia có mục đích gì, mang lại giá trị như thế nào. Tốt hơn nữa, nếu bạn đính kèm link thông tin và ảnh của từng hoạt động. Điều này sẽ giúp cho CV của bạn trở nên trực quan hơn”, Nhật chia sẻ.
Tiếp đến là thư nêu động lực (motivation letter) để trình bày mong muốn, lý do theo đuổi học bổng. Bạn cần thể hiện được khát khao của bản thân và cho người ta thấy tại sao mình xứng đáng được trao học bổng. Trong quá trình viết lá thư nêu động lực, Nhật đã suy nghĩ rất nhiều nhưng không biết làm thế nào để viết thật hay và sâu sắc. Cuối cùng, Nhật đã lựa chọn kể lại hành trình cuộc đời một cách chân thành và giản dị nhất.
Tuy nhiên, thư này phải tránh bị cuốn vào liệt kê thành tích, hoạt động, vì tất cả đã có trong CV. Cần đào sâu vào các hoạt động liên quan đến ngành theo học, thể hiện được kinh nghiệm, bài học cá nhân rút ra sau những trải nghiệm này.
Cuối cùng là thư giới thiệu (cover letter), thường được viết bởi một người giàu kinh nghiệm và biết rõ về bản thân mình, thường là thầy cô hoặc người lãnh đạo trong công việc. Thư giới thiệu có hiệu quả tốt nhất nếu cho người đọc thấy thêm nhiều khía cạnh về bản thân mình, cụ thể là trong khả năng học tập và khả năng thực tiễn.
Để vững bước trên con đường săn học bổng, Nhật đã may mắn có sự dìu dắt của TS Nguyễn Văn Đại (giảng viên Khoa Kế hoạch và Phát triển, trường ĐH học Kinh tế Quốc dân), cựu sinh viên Học bổng Chính phủ Úc (AAS). Nhật nhấn mạnh việc được dẫn dắt bởi một mentor là rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho việc hiện thực hóa quá trình nộp hồ sơ học bổng du học.
“Hãy xem những khó khăn như là những cơ hội cho bản thân để học được cách trưởng thành vì trong cuộc sống, mọi điều thường diễn ra theo cách mà chúng ta không mong muốn, cho nên việc giữ một tinh thần lạc quan và tích cực là điều mà chúng ta cần hướng đến”, Nhật nhắn nhủ.
Đối với Nhật, việc được ra nước ngoài học hỏi, mở mang tầm mắt mới là trọng tâm. Do đó không nên dồn hết tâm sức vào một ngôi trường cụ thể, thay vào đó, hãy tự tạo cơ hội cho bản thân bằng cách tìm nhiều nguồn học bổng ở nhiều nơi nhất có thể, dựa trên ngành học mong muốn.
Khi cơ hội xuất hiện, phải khẩn trương hành động ngay lập tức, không chờ đợi, không chần chừ. Nếu thất bại, hãy bình tĩnh nhìn nhận những gì mình còn thiếu sót để cải thiện. Cần phải biết rằng, hiếm có người đậu học bổng ngay trong lần nộp đầu tiên. Do đó, thất bại là chuyện quá đỗi bình thường.
Chàng trai Quảng Bình vẫn đang làm quen với cuộc sống mới tại New Zealand. Ảnh: NVCC |
Hiện đang ở thủ đô Wellington của New Zealand, chàng trai Quảng Bình cho biết, anh vẫn đang tập làm quen với cuộc sống mới nơi đây. Mục tiêu năm đầu tiên của Nhật là tập trung cải thiện ngoại ngữ và bám sát chương trình học. Đồng thời, tranh thủ khám phá con người, văn hóa của đất nước New Zealand.