Dự và chủ trì Diễn đàn, có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn; ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chị Nguyễn Thị Thu Vân - Ủy viên BTV, Trưởng ban Ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn; chị Nguyễn Ny Hương – Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh.
Cơ hội để thanh niên học kỹ năng số
Tại Diễn đàn, các diễn giả, KOL và KOC đã bàn về sự phát triển của thương mại điện, một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Đối với nông nghiệp, đây sẽ là một hướng đi phù hợp trong tương lai, giải quyết bài toán “được mùa mất giá”, mang nông sản chất lượng đến gần với người tiêu dùng, nhà nông có được sinh kế ổn định. Đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận với thị trường rộng rãi.
Anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn, phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, đây là cơ hội cho các chủ thể, doanh nghiệp, người dân tiếp cận đến các kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trên các nền tảng số, định hướng tư duy và khai thác tiềm năng kinh tế số để nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.
Theo đó, nội dung chính của Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về 3 vấn đề: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; (Kinh tế số từ góc nhìn của thương mại điện tử; Quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số.
“Đây là 3 vấn đề rất quan trọng, là những giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững. Với tinh thần đó, tôi mong muốn, các diễn giả, chuyên gia tập trung vào những vấn đề chính, cốt lõi, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị liên quan đến triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm kinh tế số" ở Việt Nam trong thời gian tới”, anh Ngô Văn Cương lưu ý.
Nhân dịp này, T.Ư Đoàn trao biển tượng trưng hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm trị giá 1 tỉ đồng cho Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh. |
Cùng với những thế mạnh về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, T.Ư Đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới lực lượng lao động trẻ tiên phong là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh sẽ khai thác tối đa tiềm năng kinh tế số để xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP.
Thúc đẩy tiêu thụ từ chính câu chuyện nhân văn
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Khánh Toàn (Phụ trách Quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam) lý giải vì sao nên đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử mặc dù đó là điều không hề dễ dàng, là một bài toán thách thức.
Các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn. |
“Có những điểm tích cực như các video về sản phẩm OCOP sẽ dễ nổi tiếng với câu chuyện nhân văn, được xem như một chất liệu tuyệt vời. Mỗi sản phẩm được quảng cáo có chất lượng trên trung bình, được đảm bảo bởi cơ quan nhà nước; có ý nghĩa nhân văn, giá trị cộng đồng lớn. Do đó, TikTok Việt Nam đã ký kết hợp tác với T.Ư Đoàn để cùng đẩy mạnh chương trình quảng bá này với tỉ lệ lên xu hướng rất cao và thường được ưu tiên về mặt lưu lượng”, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết.
Hiệu quả từ hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP trên nhiều nền tảng được thể hiện qua con số doanh thu tăng tăng hơn 40% so với trước đây, nhiều sản phẩm có mặt trong hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử có uy tín trong nước và quốc tế.
Đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia Diễn đàn. |
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng nói thêm, việc thác tiềm năng kinh tế số trong hoạt động xúc tiến thương mại là xu thế tất yếu và là một trong những bước đi quan trọng nhằm thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong cả nước và xuất khẩu.
“Tôi kỳ vọng đây là cơ hội để cơ sở OCOP, thanh niên Hà Tĩnh được trao đổi với các chuyên gia chuyển đổi số hàng đầu trong cả nước về các mô hình kinh tế số đang được áp dụng hiệu quả trong nước và trên thế giới; những khó khăn và định hướng mô hình kinh tế số phù hợp với các cơ sở tại tỉnh Hà Tĩnh”, ông Võ Tá Nghĩa nói.