"Cuộc chiến" không hồi kết
Hôm đó, Linh cùng nhóm bạn đang bàn luận sôi nổi về kế hoạch du lịch sắp tới thì nhận được ánh nhìn khó chịu từ một khách nam, khoảng hơn 30 tuổi.
Sau vài lần lườm nguýt, khó chịu, anh này nói thẳng: “Mọi người bớt ồn một chút, tôi đang làm việc.” Cảm thấy bị can thiệp quá đáng, Linh lập luận: “Nếu muốn yên tĩnh, anh nên đến thư viện hoặc quán cà phê làm việc. Quán này đâu quy định phải giữ trật tự!” Dù tình huống không "leo thang căng thẳng", nhưng với Linh, trải nghiệm này khiến cô mất thiện cảm với những người biến không gian công cộng thành “văn phòng riêng”.
Hai bạn trẻ đang làm việc tại một quán cà phê tại Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Tiệm Cà Phê Thư Báo) |
Hồng Nhung, 22 tuổi, sinh viên năm ba trường Đại học Hà Nội cũng không giấu được sự bực bội khi bị một khách ngồi bàn bên yêu cầu giữ trật tự trong quán cà phê. Cô nàng chỉ vừa bật cười lớn với bạn sau câu chuyện vui, lập tức nhận được ánh mắt khó chịu từ một nhóm người đang gõ phím miệt mài. Một trong số họ nhắc nhở: “Bạn có thể nói nhỏ hơn không? Chúng tôi cần không gian làm việc.”
“Đây là quán cà phê, không phải thư viện,” Nhung phản pháo, nhấn mạnh quyền được nói chuyện của mình. Câu chuyện của Nhung sau đó nhanh chóng trở thành một cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai nhóm khách. Thậm chí, cuộc chiến này còn được "nhen nhóm" trên không gian mạng giữa hai phe: đi cà phê để làm việc và đi cà phê để giao lưu.
Những tình huống như của Hồng Nhung không phải là hiếm gặp tại các không gian chung. Ngày càng nhiều quán cà phê trở thành điểm đến cho nhiều mục đích: từ học tập, làm việc đến gặp gỡ bạn bè, thư giãn. Tuy nhiên, chính sự đa dạng trong nhu cầu lại tạo ra những xung đột giữa các nhóm khách hàng.
Phương Anh, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chia sẻ: “Mình thường xuyên ra quán cà phê làm việc vì cảm thấy tập trung hơn. Nhưng không ít lần, mình bị phân tâm bởi những nhóm nói chuyện quá to, thậm chí có cả trẻ em chạy nhảy.”
Theo Phương Anh, không gian quán cà phê nên có những quy định cụ thể để phân chia khu vực làm việc và khu vực trò chuyện, vui chơi, tránh gây phiền hà cho các nhóm khách hàng khác nhau.
Làm việc tại quán cà phê dần trở thành nét "văn hóa" trong người trẻ. (Ảnh: Tiệm Cà Phê Thư Báo) |
Khảo sát thị trường cho thấy, thói quen đến quán cà phê tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Báo cáo năm 2023 từ một đơn vị nghiên cứu thị trường F&B cho biết, gần 60% người tiêu dùng sẵn sàng chi trên 41.000 đồng cho mỗi lần đến quán cà phê, và hơn 30% trong số đó ghé quán ít nhất một lần mỗi tuần. Không chỉ là nơi thưởng thức đồ uống, quán cà phê còn được giới trẻ coi là không gian lý tưởng để sáng tạo, học tập và làm việc. Những quán cà phê thiết kế theo mô hình “workspace” hoặc “co-working space” đang mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu "yên tĩnh" để làm việc của một bộ phận khách hàng.
Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng chọn những địa điểm này. Thành Nam, 23 tuổi, freelancer làm việc trong ngành thiết kế, cho biết anh chàng thường xuyên đến các quán cà phê bình dân thay vì workspace để tiết kiệm chi phí. “Mỗi tuần mình làm việc ở quán 4-5 lần. Dù ồn hơn workspace nhưng giá cả hợp lý, không bị tính thêm phí chỗ ngồi,” Nam nói. Dẫu vậy, Nam thừa nhận sự mất trật tự tại các địa điểm cà phê ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. “Nếu có trẻ em chạy nhảy hay ai đó nói quá lớn, mình chỉ biết chịu đựng vì quán không cấm chuyện đó,” anh chàng bày tỏ.
Mâu thuẫn từ nhu cầu đối lập
Trên mạng xã hội, không ít bài viết và video phàn nàn về trải nghiệm bị yêu cầu giữ trật tự tại quán cà phê nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Dưới mỗi phần bài viết, ta đều bắt gặp những bình luận như: “Nếu muốn yên tĩnh thì sao không đến thư viện hoặc văn phòng làm việc? Đây là không gian công cộng,” một tài khoản bình luận.
Tuy nhiên, nhiều Gen Z cho rằng việc giữ ý thức, không ồn ào khi ở nơi công cộng là điều cần thiết. Mai Phương, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Mình hiểu quán cà phê không yêu cầu tuyệt đối yên tĩnh, nhưng mọi người nên tôn trọng không gian chung. Cười nói lớn hay để trẻ con chạy nhảy trong quán chắc chắn sẽ làm phiền người khác.”
Nhiều bạn trẻ cho rằng mặc dù không yêu cầu yên tĩnh tuyệt đối, nhưng nhiều người cần giữ ý thức ở không gian chung. (Ảnh: Tiệm Cà Phê Thư Báo) |
Tiến sĩ xã hội học Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Quán cà phê từ lâu đã là nơi giao lưu, kết nối cộng đồng. Việc yêu cầu mọi người giữ yên lặng hoàn toàn không phù hợp với bản chất không gian này.”
Bà cho rằng, để giảm mâu thuẫn, các quán cà phê cần xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu và đưa ra quy định phù hợp. Những nơi hướng đến nhóm khách làm việc nên thiết kế khu vực riêng biệt hoặc chọn phong cách bài trí mang tính chất workspace.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng không gian cà phê ngày càng đa dạng, một số giải pháp dung hòa giữa hai mô hình này đã được áp dụng. Chẳng hạn, các quán cà phê sách thường có quy định giữ yên lặng để khách đọc sách hoặc học tập. Trong khi đó, những quán cà phê theo mô hình truyền thống vẫn duy trì không gian mở, phù hợp cho các cuộc trò chuyện, giao lưu và gặp gỡ giữa các khách hàng.
“Lựa chọn địa điểm phù hợp với mục đích là cách đơn giản nhất để tránh những tranh cãi không đáng có này. Suy cho cùng, nếu quyết định làm việc tại một không gian công cộng, người trẻ phải chấp nhận đặc trưng của môi trường này. Việc người khác giữ yên lặng là một hành động lịch sự, nhưng nếu họ trò chuyện hoặc giao lưu cũng không phải điều sai trái, bởi quán cà phê vốn là nơi để mọi người kết nối và thư giãn," tiến sĩ nhận định.