Từ cô sinh viên với nhiều khiếm khuyết đến cô giáo ‘đặc biệt’ nhiều người mê

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Phạm Thị Thu Thủy (sinh năm 1997) - cô giáo có đôi chân không lành lặn, phải di chuyển bằng đầu gối nhưng luôn tươi cười và lạc quan trong cuộc sống. Thủy đang dạy học tại Trung tâm Ứng dụng tâm lý giáo dục An Nhiên (Q. Bình Thạnh, TP. HCM).

Vượt qua nghịch cảnh

Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, Thủy đã không biết ba mẹ mình là ai. Chị được Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình (Thủ Đức) nuôi dưỡng. Bị khuyết tật vận động với đôi chân co quắp nên phải di chuyển bằng hai đầu gối, thế nhưng Thu Thủy vẫn luôn duy trì thái độ sống tích cực, lạc quan. Hiện tại, chị Thủy là giáo viên của những học sinh khuyết tật.

Từ cô sinh viên với nhiều khiếm khuyết đến cô giáo ‘đặc biệt’ nhiều người mê ảnh 1
Thu Thủy luôn tươi cười với người đối diện. (Ảnh: NVCC)

Đến năm 12 tuổi, Thủy chuyển về Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Tại đây, Thủy cảm thấy thoải mái hơn khi được học tập và sinh hoạt với nhiều bạn có hoàn cảnh giống như mình.

“Ngày còn bé, chưa có nhận thức về cơ thể, việc di chuyển đối với mình là khó khăn nhất, do mình bị khuyết tật vận động. Sau này, khi đã trưởng thành, biết suy nghĩ hơn, mình nhận ra, dù khuyết tật hay lành lặn thì ai cũng phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Do vậy, mình không còn xem đôi chân đặc biệt này là một trở ngại mà ngược lại, chính là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày”, chị Thủy tâm sự.

Đôi giày đặc biệt của chị Thủy được gắn vào đầu gối để thuận lợi cho việc di chuyển. Khiếm khuyết ở đôi chân là thế nhưng chị Thủy khá nhanh nhẹn, có thể tự đi, thậm chí lên bậc thang nhờ đôi tay khỏe vịn vào những điểm tựa xung quanh và bằng sự kiên trì tập luyện của bản thân.

Từ cô sinh viên với nhiều khiếm khuyết đến cô giáo ‘đặc biệt’ nhiều người mê ảnh 2
"Người bạn đồng hành" giúp Thu Thủy tự đi lại mỗi ngày. (Ảnh: NVCC)

Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình và tờ giấy chứng nhận khuyết tật hạng nặng thì người ta sẽ ngay lập tức nghĩ rằng, chị Thủy không thể làm được gì mà sẽ cần người khác giúp đỡ rất nhiều. Nhưng thực tế, chị Thủy có thể làm hết tất cả những việc từ tự chăm sóc bản thân, tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng, quét dọn nhà, và cả chạy xe gắn máy 3 - 4 bánh.

Cô gái sinh năm 1997 tâm sự: "Trước đây, mình luôn nghĩ mình là người thiệt thòi và kém may mắn. Nhưng khi mình nhận ra được giá trị của bản thân, mình thấy mình may mắn vì mình đặc biệt. Đặc biệt vì mình khác mọi người, mình luôn có một năng lượng tích cực và mình hạnh phúc vì điều đó. Mình dám đối diện và chấp nhận với những khó khăn, thử thách để vươn lên”.

Sống với đam mê

Bằng sự nỗ lực không ngừng, tháng 7/2022, Thủy đã tốt nghiệp ngành Giáo dục Đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TP. HCM. “Ngay từ khi học THPT, mình đã có năng khiếu với ngôn ngữ ký hiệu, từ đó hình thành đam mê và mình muốn trở thành cầu nối để người khiếm thính gần gũi hơn với người nghe. Thế là mình chọn ngành Giáo dục Đặc biệt vì muốn giúp đỡ những trẻ em có nhu cầu đặc biệt (trẻ khuyết tật), để các em không còn mặc cảm mà lạc quan, tích cực làm những điều có ích cho xã hội”, Thủy kể lại.

Từ cô sinh viên với nhiều khiếm khuyết đến cô giáo ‘đặc biệt’ nhiều người mê ảnh 3

Thủy trong ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. (Ảnh: NVCC)

Đối diện với nhiều thử thách khi theo đuổi đam mê, Thủy tâm sự: “Đã có nhiều lúc mình buồn, mình muốn bỏ cuộc nhưng mình nghĩ lại rằng mục đích mà mình đã phấn đấu. Mình biết ơn vì được bạn bè, thầy cô đồng cảm và giúp đỡ, chính điều đó cũng là “chất xúc tác” giúp mình yêu đời và lạc quan hơn”.

Nói về công việc hiện tại của mình, Thu Thủy hào hứng kể: “Mỗi ngày đi làm, mình đều cảm thấy hạnh phúc, vì đây là việc mình yêu thích, được dạy học cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển và giúp các em nhỏ học tập, ăn uống, sinh hoạt, cũng như truyền đi tinh thần lạc quan, yêu đời và vươn lên trong mọi hoàn cảnh”.

Từ cô sinh viên với nhiều khiếm khuyết đến cô giáo ‘đặc biệt’ nhiều người mê ảnh 4
Thủy luôn vui vẻ và hòa đồng với đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC)

“Tôi sẽ dùng 3 từ nghị lực, yêu thương can đảm để dành cho em. Có thể nói, em là người nhiều nghị lực nhất mà tôi từng gặp trong hơn 500 trẻ em ở khắp các cô nhi viện Việt Nam mà tôi may mắn có cơ hội làm việc trực tiếp trong suốt 9 năm làm việc tại Kidspire Việt Nam”, Nguyễn Thị Trà My, Giám đốc chương trình, đồng thời là giáo viên của tổ chức Kidspire Việt Nam - một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận của Mỹ, chuyên cung cấp các chương trình giáo dục chất lượng cao miễn phí cho các em nhỏ sống tại các cô nhi viện khắp Việt Nam.

“Mình luôn biết ơn bản thân vì đã không bỏ cuộc vì bất kỳ điều gì trong suốt thời gian qua. Với mình, những nỗi đau đã trở thành động lực, là bài học, là cơ sở để sống trọn vẹn hơn. Hoàn hảo hay không là do cách nhìn của mỗi người khi nhìn vào số phận đó như thế nào, chỉ cần có niềm tin và sự kiên trì, nỗ lực, mình tin rằng mọi thứ sẽ tốt lên”, Thu Thủy trải lòng.

26 tuổi, Thu Thủy luôn gây sự chú ý cho người đối diện bằng nụ cười tươi cùng năng lượng tích cực. Dù không có ba mẹ, cơ thể kém may mắn hơn các bạn cùng trang lứa và đã từng gặp nhiều mặc cảm trong cuộc sống, Thu Thủy vẫn hoàn thành tốt việc học và luôn có tinh thần vươn lên, cầu tiến hướng về phía trước bằng thái độ sống tích cực và lạc quan.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.