Bên cạnh số tiền đầu tư 1 triệu USD từ F’Enhance, đội ngũ bTaskee có cơ hội gọi vốn trực tiếp với các quỹ đầu tư quốc tế tại Israel - quốc gia được mệnh danh “vườn ươm khởi nghiệp” của thế giới.
Trước đó, trong khuôn khổ cuộc thi SFC 2018, ông Đỗ Đắc Nhân Tâm - CEO bTaskee với 15 năm kinh nghiệm làm kỹ sư phần mềm tại Canada - có cơ hội chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình với các chuyên gia, nhà đầu tư danh tiếng tại vòng Tư vấn diễn ra ngày 19/11 ở Hà Nội và chung kết phiên gọi vốn vào ngày 27/11 tại Đà Nẵng.
Ứng dụng bTaskee ra mắt vào tháng 4/2016 với ý nghĩa những chú ong chăm chỉ (bee) ôm công việc (Task) vào làm. Đối tượng khách hàng được hướng đến là nhóm gia đình trung lưu có nhu cầu thuê người giúp việc theo giờ.
Ông Nhân Tâm so sánh cách vận hành ứng dụng bTaskee tương tự mô hình của Grab hay Uber. Khách hàng chỉ mất 60 giây thao tác trên điện thoại để tìm được người giúp việc chuyên nghiệp, có thông tin và lý lịch rõ ràng ở mọi lúc mọi nơi với giá chỉ từ 43.000 đồng/giờ.
Nhà phát triển ứng dụng bTaskee, Đỗ Đắc Nhân Tâm hy vọng thay đổi định kiến về nghề giúp việc ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Trong khi khách hàng tìm được giúp việc ưng ý, người lao động thực hiện công việc chỉ trong 2 giờ theo hợp đồng rõ ràng, có bảo hiểm cho cả hai bên. BTaskee mong muốn tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 người lao động, đồng thời góp phần mang lại cái nhìn mới mẻ hơn cho ngành nghề giúp việc nhà tại Việt Nam.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, bTaskee đã phục vụ hơn 50.000 khách hàng và hơn 150.000 công việc được hoàn thành. Trong tương lai, bTaskee sẽ mở rộng trên khắp Việt Nam và nhắm mục tiêu đến các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á.
Giống như đội ngũ bTaskee, sau khi vượt qua vòng hồ sơ online, 15 nhóm và công ty khởi nghiệp trên cả nước được tham dự chuỗi sự kiện đào tạo, tư vấn và gọi vốn đầu tư diễn ra từ ngày 12-29/11 của chương trình Startup Funding Camp 2018.
Với chủ đề “Jumping to 4.0 - Tự động hóa và Dữ liệu thông minh", SFC 2018 tập trung vào phát triển các ứng dụng nền tảng công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.
Chương trình mang tầm cỡ quốc gia này đã thu hút hơn 100 hồ sơ đăng ký, sự quan tâm từ hơn 10.000 thanh niên Việt Nam, cùng nhiều quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước như Vinacapital, CyberAgent Ventures Southeast Asia, ESP Capital.
Đại diện BTC, Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết SFC 2018 mong muốn khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, sát cánh cùng họ để hướng đến phát triển những startup mang tầm cỡ quốc gia.
SFC cũng hy vọng trở thành sự kiện đầu tư thường niên được cộng đồng khởi nghiệp mong đợi với quy mô, chất lượng chuyên môn hàng đầu và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, đại diện BTC Startup Funding Camp 2018 cho biết chương trình được mong đợi trở thành bệ phóng cho các công ty khởi nghiệp thành công.
“Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới, mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế và phát triển. SFC 2018 mong đợi sẽ là bệ phóng không chỉ tạo ra những công ty khởi nghiệp thành công, sáng tạo mà còn mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam, thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của nước nhà”, chị Thu Vân chia sẻ.