Cho dù "yêu đến mùa quáng" thì cũng đừng để mình bị lừa dối và tổn thương khi biết bản thân chỉ là "con rối" của đối phương. Hãy để ý 5 dấu hiệu dưới đây:
1. Họ rất cuốn hút
Nhà nghiên cứu người Hà Lan Aldert Vrij đã đưa ra danh sách 18 đặc điểm tính cách phổ biến ở những kẻ lừa dối giỏi. Họ giỏi điều khiển người khác, rất tự tin, nhanh trí, giỏi thuyết phục và hấp dẫn… Sự thu hút trong tính cách (và đôi khi là cả ngoại hình) khiến họ dễ dàng có được lòng tin của người khác; và người khác cũng không muốn phải nghi ngờ họ. Thế đấy!
2. Dù muốn, bạn cũng không thể xác nhận bất kỳ điều gì họ nói
Bạn đề nghị được xem bức ảnh này, tờ hóa đơn kia, bạn muốn gặp gỡ gia đình và bạn bè họ… nhưng luôn có việc gì đó xen vào và bạn không thể làm được những điều nói trên. Dù họ hứa rằng, rồi bạn sẽ được xem, sẽ được gặp… nhưng luôn có vấn đề nảy sinh khiến những việc đó không trở thành hiện thực. Bạn biết tại sao không? Vì họ đang lừa dối bạn!
3. Họ công kích khi bạn đặt câu hỏi
Khi chúng ta “dám” thắc mắc với họ thì họ sẽ nói như thể chúng ta mới là những người có vấn đề. Họ bảo chúng ta rằngl bầu trời màu tím và khiến chúng ta tin rằng chính mình mới “không bình thường” khi cho rằng, bầu trời màu xanh!
4. Họ là những người kể chuyện rất hay
Trong một thí nghiệm, GS Jeff Hancock ở ĐH Stanford (Mỹ) và đội ngũ nghiên cứu của ông đã trả tiền cho một số người để viết nhận xét về một khách sạn ở New York. Vài người trong số này thực sự đã từng ở khách sạn đó. Những người còn lại thì chưa từng đặt chân tới đó.
Kết quả cho thấy, những người “bịa chuyện” sẽ tập trung vào câu hỏi: “Ai? Chuyện gì đã xảy ra?”. Họ kể về việc họ đã ở đó với ai và họ đã làm gì. Họ cũng dùng ngôi thứ nhất (“Tôi”) nhiều hơn hẳn những người thực sự từng ở khách sạn. Dường như, họ cố “cài” bản thân mình vào lời nhận xét, như một cách cố thuyết phục người đọc rằng, họ đã ở đó.
Còn những người từng ở khách sạn thật thì tập trung vào những thông tin không gian: Kích thước phòng, khách sạn có gần trung tâm mua sắm không… - câu chuyện của họ kém thú vị hơn hẳn so với câu chuyện của những người… bịa ra!
Tuy nhiên, GS Hancock còn cho biết, ngôn ngữ của chúng ta thay đổi tùy vào kiểu lời nói dối và động cơ đằng sau đó. Ví dụ, khi được phỏng vấn trực tiếp, những người “bịa chuyện” trong thí nghiệm trên lại dùng ít từ “tôi” hơn và kể những câu chuyện mơ hồ hơn. Dường như, họ lại cố tạo khoảng cách giữa mình với sự kiện trong câu hỏi. Đó chính là cách mà những người lừa dối thường thể hiện trong những câu chuyện.
5. Họ dùng những cụm từ như: “Anh/em cũng không nhớ chính xác lắm”, hay “Để anh/em nhớ xem đã nào”…
Không nhất thiết là những người dùng những cụm từ này đều nói dối nhưng những người nói dối hay “câu giờ” bằng những cụm từ dài và ít ý nghĩa, để tìm ra cách trả lời phù hợp, đồng thời, cũng để khiến bạn sao lãng.
Tất nhiên, những dấu hiệu trên chẳng hề được phát hiện ra dễ dàng hay nhanh chóng. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy nghi ngờ, hãy cố gắng tìm bằng chứng cho những lời mà đối phương nói, những sự kiện mà đối phương kể. Nếu bạn không thể tìm được “manh mối” nào, rất có thể bạn phải thận trọng với lòng tin của mình rồi!