Không ngồi chờ hạnh phúc nở hoa
Để có đủ kinh phú thực hiện chuyến đi, Thành đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền và tích góp từ công việc làm thêm. Trong vòng tám tháng, cậu đã dành dụm được hơn 40 triệu đồng, trang bị máy ảnh, đồ dùng cá nhân… để lên đường. “Mình là người yêu thích khám phá, muốn thực hiện chuyến “phượt” bằng xe đạp để có thể tận mắt thấy và ghi lại những cảnh đẹp. Mình nghĩ, đã qua rồi cái thời ngồi chờ hạnh phục tự nở hoa. Tuổi còn trẻ, mình phải trải nghiệm cái mới và tìm kiếm những điều thú vị. Bởi cuộc sống là một hành trình, mỗi điểm dừng là một trải nghiệm”, Thành chia sẻ.
Với Thành, việc thực hiện chuyến đi, tất nhiên không phải là dễ dàng. Cậu tìm hiểu kỹ, tham khảo nhiều ý kiến từ các anh chị đã từng du lịch “bụi” để lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi. Sau khi trang bị mọi thứ cần thiết, Thành chỉ còn vẻn vẹn 4 triệu đồng trong túi nhưng vẫn tiếp tục thực hiện chuyến đi. Suốt dọc đường, để tiết kiệm, cậu “gõ cửa” xin ngủ nhờ nhà dân hoặc liên hệ những người bạn. Có lúc, người dân tin tưởng, đồng ý ngay. Nhưng cũng có khi bị từ chối, Thành phải tìm chỗ an toàn để chợp mắt trong túi ngủ.
Chuyến đi của Thành kéo dài hơn một tháng, vượt 4.000km, đi qua nhiều tỉnh, thành của cả nước. Mỗi cung đường là mỗi trải nghiệm, Thành có cơ hội khám phá rất nhiều cảnh đẹp. Có những lúc, Thành cũng gặp phải những tình huống bất ngờ. “Khi gặp lũ ở Hà Giang, thời điểm diễn ra ngay buổi tối, mình không thể tiếp tục đi được nữa. Sáng sớm hôm say, trời mưa to, mình được một người dân tộc Mông cho tá túc, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với họ suốt một ngày. Họ còn nhiệt tình chiêu đãi mình món mèn mén, canh gà. Với mình, Cao Bằng và Hà Giang là những nơi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất.
Nguyễn Chí Trung Thành và chiếc xe đạp đồng hành.
Lúc muốn bỏ cuộc, hãy tự hỏi vì sao mình bắt đầu
Để duy trì sức bền, Thành chia nhỏ kế hoạch: Cứ đi liên tục nhiều ngày và dừng lại nghỉ 1 - 3 ngày mới tiếp tục hành trình. Đôi khi, “con ngựa sắt” gặp trục trặc, hỏng dây xích, thắng không ăn… hoặc có lúc, thời tiết thử thách Thành bằng những cơn mưa thật to. Thành cho biết: “Chiếc xe đạp của mình mua từ năm lớp 11, nhập từ Đức. Đây là xe thiết kế cho các cuộc đua tốc độ ngắn trên đường bằng phẳng hoặc lòng chảo. Để phục vụ cho chuyến đi, mình đã phải nâng cấp một số bộ phận, như mua bộ bàn đạp và giày xe đạp chuyên dụng, 3 bộ quần áo xe đạp... Điều may mắn trong suốt chuyến đi là mình chưa gặp sự cố nguy hiểm nào”, chàng sinh viên sinh năm 1999 cho biết. Điều khiến Thành vui nhất trong suốt chặng đường là nhận được sự giúp đỡ, làm quen và kết bạn của nhiều người. Cậu còn gặp được hai người bạn Bỉ và Ý mê “phượt”, gặp nhau nhiều lần trên những cung đường. Họ đã giúp đỡ Thành tìm chỗ ngủ và chia sẻ chi phí nhà nghỉ.
Thành nói: “Thay vì đi xe máy, mình đi xe đạp để tìm kiếm trải nghiệm mới, thử sức chịu đựng của bản thân. Động lực để mình tiếp tục chặng đường dài là sự bền bỉ, nghĩ về sự quyết tâm và quá trình chuẩn bị trong một khoảng thời gian dài để thực hiện ước mơ thanh xuân này. Những lúc mệt mỏi, gặp trục trặc, mình luôn nghĩ về “lý do vì sao khiến bản thân bắt đầu” để không bao giờ bỏ cuộc”.
Trước khi chuyến đi bắt đầu, Thành đã vấp phải sự ngăn cản của bạn bè. Nhiều người cho rằng, chàng trai này không hoàn thành được chuyến đi và bảo cậu là kẻ điên, thích đi du lịch kiểu hành xác. “Mình không quan tâm đến những nhận định tiêu cực đó. Bởi quan trọng là mình cảm thấy thoải mái và nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Mặc dù, “phượt” bằng xe đạp cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cuối cùng, mình đã hoàn thành cuộc đi xuyên Việt bằng xe đạp và trở về an toàn. Niềm vui mà mình nhận được là những bức ảnh, kỷ niệm đẹp sẽ còn đọng mãi và là hành trang giúp mình trưởng thanh hơn”, Thành bộc bạch.
Trong thời gian tới, Trung Thành sẽ trở lại giảng đường đại học, tiếp tục việc học và tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm. Với sức trẻ và sự nhiệt huyết, Thành mong muốn sẽ tích góp đủ tiền để tiếp tục du lịch xuyên Việt và kết hợp với những hoạt động cộng đồng ý nghĩa.