NSUCrypto là cuộc thi Mật mã học quốc tế thường niên do các trường đại học, học viện của Nga, Belarus, Bỉ phối hợp tổ chức từ năm 2014. Mục tiêu của cuộc thi là thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu trẻ trong việc giải quyết các bài toán khó hoặc các bài toán chưa có lời giải để thúc đẩy sự phát triển của mật mã học hiện đại.
Kỳ thi Mật mã học quốc tế NSUCrypto 2020, diễn ra từ ngày 18 - 26/10/2020 theo hình thức trực tuyến. Phú Nghĩa cho biết, kỳ thi được chia thành hai vòng. Sau 24 giờ thi đấu vòng loại căng thẳng, đội Nghĩa cùng 10 đội bạn đến từ các trường đại học lớn tham gia vòng Chung kết với hình thức Jeopardy. Các đội phải tập trung giải thử thách theo các chủ đề về khai thác lỗ hổng ứng dụng web; dịch ngược mã nguồn phần mềm; tìm lỗi, khai thác các lỗ hổng trong các ứng dụng server, phần mềm, hoặc đoạn mã; điều tra, phân tích các dấu vết số; giải các bài toán mật mã và giải thuật.
Là thủ khoa đầu vào của ĐHQG TP. HCM theo phương thức xét tuyển bằng kỳ thi "Đánh giá năng lực năm 2019", Phú Nghĩa luôn cố gắng trong các hoạt động, nhất là học tập. Vào môi trường đại học, Nghĩa tham gia CLB An toàn thông tin Efiens của trường như một cơ hội để học tập, nâng cao kiến thức. Đây là câu lạc bộ được CTFtime - tổ chức độc lập chuyên đánh giá, xếp hạng các đội thi về bảo mật máy tính - xếp đầu bảng tại Việt Nam về phong trào CTF.
Nghĩa cho biết, CLB Efiens gồm những thành viên có đam mê với an toàn thông tin, trong đó có mật mã học. Hằng tuần, câu lạc bộ tổ chức một buổi gặp mặt để trình bày về những vấn đề thú vị vừa học hỏi được trong tuần qua. Thời gian còn lại, câu lạc bộ chủ yếu hoạt động online để tham gia các cuộc thi an toàn thông tin qua mạng. “Định kỳ, chúng mình thường mời những chuyên gia về an toàn thông tin đến câu lạc bộ để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Câu lạc bộ đã giúp mình có cái nhìn khác hơn về ngành học nói chung, cũng như về bảo mật thông tin nói riêng. Từ đó, mình cảm thấy dễ chịu hơn khi đối diện với những thuật ngữ hay khái niệm mới và cũng an tâm hơn khi làm việc vì biết bên cạnh mình còn có những ‘tiền bối’ sẵn sàng giúp đỡ mình khi cần”, Nghĩa chia sẻ về những hoạt động thú vị của câu lạc bộ.
Gia đình và quê hương là nguồn động viên lớn đối với Phú Nghĩa. “Gia đình, bạn bè, các anh chị là những nguồn cảm hứng, đã truyền cho mình thêm sức mạnh để tham gia kỳ thi. Động lực lớn nhất để mình phấn đấu chính là quê hương Quảng Nam. Tuy từ nhỏ mình đã xa quê hương vào Sài Gòn học tập nhưng rất mong muốn sau này có thể đem sức lực để phát triển quê hương, giúp người dân nơi đây bớt đi phần nào khó khăn, vất vả”, Nghĩa trải lòng.
Nói về đề thi ở bảng đồng đội, Phú Nghĩa cho rằng đề thi 2020 cũng tương tự cấu trúc đề thi mọi năm, xoay quanh những vấn đề của mật mã học hiện đại. Tuy không có nhiều điều mới lạ nhưng vẫn giữ được sự cuốn hút. “Bên cạnh những câu hỏi vận dụng lý thuyết là những câu hỏi theo hướng mở, không có mức điểm tối đa. Đề NSUCrypto là dạng để kích thích tư duy, khiến ta suy nghĩ về nó, ngay cả sau khi thi, nên mình rất thích”, Nghĩa bộc bạch.
Theo Phú Nghĩa, cách học của mỗi người khác nhau nhưng nếu để tìm một yêu cầu chung nhất cho các sinh viên, cụ thể là sinh viên ngành Khoa học Máy tính, thì đó là khả năng tự học. “Khi đề ra kỷ luật cứng rắn cho bản thân, mình nghĩ thành quả sẽ đến, sau những nỗ lực không ngừng”, Nghĩa "bật mí" về cách học của mình.
Phú Nghĩa quan niệm, cuộc thi là một trong những dấu mốc đầu tiên của cuộc đời, từ đó nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng không ngừng để đạt những thành tích cao hơn trong tương lai.
Vào giữa học kỳ I năm thứ nhất, Phú Nghĩa và nhóm bạn trong lớp cũng đã thành lập một dự án dạy nhạc cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn quanh trường. Tuy nhiên, dự án mới chỉ triển khai được vài tháng đến khi dịch COVID-19 bùng phát nên đã phải dừng lại. Nghĩa cũng dự định sẽ sớm khởi động lại dự án này.