Nỗi lo thường trực
Đã 2 lần chuyển trọ vì muốn tìm nơi ở không có nhiều nam sinh, Nguyễn Diệp Hiểu Nghi (2002, Vĩnh Long) ưu tiên những phòng trọ có bố trí bảo mật cửa phòng, chủ trọ hiền lành và biết tôn trọng sự riêng tư của người thuê trọ. Nhưng gần đây, khi nghe tin nhiều trường hợp đặt camera quay lén bị phát giác, cô rất bất an, luôn cảm thấy nghi ngờ về mức độ an toàn khi sinh hoạt tại các nơi công cộng, thậm chí, phải liên tục rà soát lại nơi ở mới của mình trong tâm trạng lo lắng. Hiểu Nghi chia sẻ: “Mình rất sợ bản thân cũng là một trong những nạn nhân bị quay lén. Tâm lý đó khiến mình thấy mệt mỏi”.
Lê Hương Giang (22 tuổi, trường ĐH Văn Lang) hiện đang thuê trọ tại TP. HCM, cũng bày tỏ: “Mình đã kiểm tra phòng trọ ngay lập tức, rất may không có gì bất thường, nơi ở của mình hiện tại cũng văn minh và chị chủ dễ thương, có hàng xóm là người lớn tuổi tốt bụng. Tuy nhiên, khi đi học hay đến các hàng quán, tụi mình vẫn cảm thấy bất an. Mong rằng, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, chuyện này sẽ kết thúc, trả lại sự an toàn cho mọi người, nhất là phái nữ tụi mình”.
Phòng trọ tại Q. Bình Thạnh (TP. HCM) của Hiểu Nghi được cô và ba mẹ kiểm tra cẩn thận trước khi vào ở. |
Hiểu Nghi hiện là sinh viên năm cuối, trường ĐH Công nghệ TP. HCM. |
Học cách tự bảo vệ mình
Theo Hương Giang, cùng với các biện pháp bảo đảm an ninh của chính quyền, thì trước hết, phái nữ nên “bỏ túi” vài "chiêu" phòng vệ cần thiết: “Ở chỗ trọ, chúng ta nên tìm hiểu cách rà camera ẩn, kiểm tra cả gương, cửa sổ... trước khi nhận phòng”.
Hương Giang có thói quen dọn dẹp phòng và ghi nhớ vị trí đồ dùng, phòng ngừa kẻ gian lẻn vào phòng đặt camera ẩn. |
Hương Giang mong muốn sự việc sẽ được xử lý nghiêm, có tác dụng răn đe, góp phần mang lại sự yên tâm cho những bạn nữ xa quê lên thành phố học. |
Sau khi báo chí thông tin về các vụ đặt camera quay lén trong phòng trọ, Minh Uyên (20 tuổi, Kiên Giang) được ba mẹ lên Sài Gòn ngay trong đêm để giúp con gái kiểm tra chỗ ở. Cô chia sẻ: “Ba mẹ mình đã nói chuyện với chủ trọ rất lâu, hỏi kỹ về an ninh, an toàn nhà trọ, sau đó kiểm tra mọi ngóc ngách trong phòng, khi đã yên tâm mới để mình tiếp tục trọ lại. Đây là chuyện không mong muốn, nên ba mẹ luôn dặn mình phải biết bình tĩnh, học cách xử lý tình huống. Để 4 năm học trên thành phố suôn sẻ, mình không muốn ba mẹ lúc nào cũng lo lắng nên đã hứa sẽ thật cẩn thận, nhất là ở những nơi công cộng, mình sẽ đeo khẩu trang thường xuyên”.
Minh Uyên cũng chỉ cách để các bạn nữ chủ động đối phó với tệ nạn này. Theo Minh Uyên, hầu hết camera đều được trang bị đèn LED màu đỏ hoặc xanh lá cây, chúng sẽ nhấp nháy hoặc tỏa sáng khi ở điều kiện ánh sáng yếu: "Bạn có thể tắt hết đèn trong phòng và quan sát xung quanh để phát hiện những ánh sáng này; hoặc bật đèn pin và tắt hết đèn, kéo rèm trong phòng và soi từng ngõ ngách, nếu thấy ánh sáng phản chiếu từ một vật thể nào đó, rất có thể đó là camera ẩn".
Luật sư lên tiếng
Theo Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+), hiện nay, chưa có thống kê chính thức, hay báo cáo cụ thể về các trường hợp bị xử lý hành chính, hình sự hoặc kiện dân sự liên quan đến các trường hợp quay lén. Tuy nhiên, có thể nói rằng, việc quay lén người khác trong điều kiện hiện nay là hết sức dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ theo đó về việc sử dụng, đăng tải trái phép hình ảnh, video về người bị quay lén.
Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+). |
Cũng theo Luật sư Duy Anh, khi phát hiện hình ảnh của mình bị đăng tải trái phép trên mạng xã hội, người bị hại có thể đến trình báo với cơ quan công an gần nhất hoặc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. “Quan trọng nhất là người trình báo phải giữ vững tinh thần, kiên quyết giải quyết vụ việc đến cùng để bảo vệ bản thân. Trường hợp nạn nhân gặp áp lực không thể giải tỏa, hãy tìm đến các công ty luật, những người có chuyên môn đồng hành cùng mình trên hành trình tìm lại công lý”, Luật sư Duy Anh nói.
Đối tượng quay lén vi phạm pháp luật như thế nào?
Theo Luật sư Duy Anh (Hãng luật A+), việc một người có hành vi quay lén hoặc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa có sự cho phép của người đó là vi phạm về quyền hình ảnh theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 và cũng vi phạm về quyền được đảm bảo về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Người có hình ảnh bị sử dụng trái phép có thể yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sử dụng tự ý sử dụng các hình ảnh cá nhân người khác hoặc xâm phạm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân mà gây thiệt hại thì người vi phạm có thể phải bồi thường các thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, theo Điều 592, Bộ luật Dân sự. Các chế tài có thể được xem xét gồm:
Đối với vi phạm hành chính
Việc quay lén các hình ảnh nhạy cảm của người khác có thể bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng, theo Điểm đ, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc xin lỗi công khai đối với người bị xâm phạm, theo Điểm c, Khoản 14, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Theo Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020, mức phạt cho tổ chức có hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Đối với cá nhân, nếu có hành vi vi phạm, mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (Khoản 3, Điều 4, Nghị định 15/2020), tương đương mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Đối với trách nhiệm hình sự
Việc quay lén và sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác, theo Điều 155, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị xử phạt mức án cao nhất lên đến 5 năm tù giam, nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.