Tuy nhiên sự thật là điểm thi và kiến thức không hề giống nhau.
Trước khi bắt đầu, hãy “lọc” sạch tâm trí cái đã
Nếu thời gian trước, 7.0 IELTS đã là đáng “kính cẩn nghiêng mình” thì giờ đây 8.0 hay 8.5 mới là “số dách”. Vì thế, nhiều trung tâm IELTS đã mọc lên, thậm chí còn có cả những nơi cam kết đầu ra, bạn muốn bao nhiêu điểm thì sẽ có lớp đó dành cho mình.
Thục Phương (TP.HCM, đạt 7.5 IELTS) chia sẻ: “Hiện tại, chỉ cần bạn muốn học IELTS, có vô vàn tài liệu, hội nhóm, trung tâm giúp bạn đạt được số điểm mong muốn. IELTS trở thành một áp lực vô hình, nhưng lại rất cực hình.
Hồi cấp Ba mình học chuyên Anh, xung quanh toàn là bạn bè được 8.0 IELTS nên khi đi thi mình rất áp lực. Điểm thi lần đầu của mình là 7.5 khiến mình không hài lòng, chỉ vì áp lực bởi những người xung quanh. Sau đó mình đi xin việc, ở những nơi cần bằng IELTS, mình lại nhận ra điểm của mình không hề tệ như mình nghĩ, mà còn giúp mình có nhiều cơ hội hơn so với các đối thủ”.
IELTS thật ra cũng chỉ là một kì thi kỹ năng thôi!
Nếu bạn cho rằng điểm IELTS càng cao ứng với kiến thức càng nhiều, có thể đúng nhưng chưa đủ. Có rất nhiều bạn thi IELTS đến ba lần mới đạt điểm 8.0 hoặc 8.5, dù kiến thức rất rộng. Lý do có thể kể đến như chưa nắm cách làm bài của IELTS, không trúng đề (đề thi IELTS không phải lúc nào độ khó cũng ngang nhau), không quen với không khí phòng thi, không đạt đỉnh cao phong độ, thầy cô gác thi speaking làm thí sinh bị “khớp”… Nói chính xác hơn, thi IELTS cũng giống như một kì thi ĐH: kiến thức được ôn luyện qua thời gian dài, kỹ năng làm bài, cộng thêm chút may mắn.
M.Nhân (du học sinh Anh, đạt 8.0 IELTS) kể: “Điểm 8.0 là mình thi lần thứ ba, còn hai lần đầu là vào hồi cấp Ba. Càng thi nhiều lần mình càng quen với cách tổ chức thi nên mình có thể tự tin hơn”.
Tuy nhiên không phải cứ thi nhiều thì sẽ được điểm cao, mà qua mỗi lần thi bạn cần phải rút ra được bài học “khắc cốt ghi tâm” để áp dụng cho lần sau. Có rất nhiều bạn tuy có nhiều vốn từ, “phóng” tiếng Anh như “gió cấp mười”, nhưng thi IELTS lại chẳng hề đơn giản.
L.Đ (18 tuổi, du học sinh Canada) bộc bạch: “Mình thi IELTS hai lần và cả hai đều là 6.5. Mình có thể nói chuyện tiếng Anh rất lưu loát và đọc truyện tiếng Anh suốt ngày, nhưng lại không thích viết theo kiểu học thuật hay nói tiếng Anh theo một “khuôn” nên cả hai lần điểm đều không như ý. Điểm viết của mình chỉ 5.5 do viết không theo chuẩn và chữ khó nhìn, đã kéo tổng điểm xuống dù đọc và nghe điểm mình là 7.5”.
Nếu bạn thi IELTS của Hội đồng Anh (BC), khi đăng ký xong bạn sẽ được cấp một mật khẩu để vào xem trước các dạng đề, xem hướng dẫn cách làm bài và một số mẹo khi làm bài. Để làm tốt bài, bạn không thể chỉ đem một cái đầu nhiều chữ, mà còn cần có thêm một “túi ba gang” “mẹo vặt” để làm “phao cứu sinh” khi bị “bí”.
Ngoài kỹ năng, may mắn cũng là yếu tố không thể “phớt lờ”. Minh Phương (cựu học sinh chuyên Anh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM), đạt 8.0 IELTS chia sẻ: “Mình đạt 8.0 ngay từ lần đầu tiên thi. Lúc mình đi thi tâm trạng khá thoải mái, vì thầy gác thi phần nói của mình rất dễ thương. Khi mới vào và sau khi thi nói xong đều hỏi thăm về cuộc sống của mình, làm mình có cảm giác như hai người bạn đang nói chuyện. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Con bạn thân của mình cũng thi chung đợt nhưng khác giám thị, siêu lạnh lùng và khi bạn mình nói thì không hề nhìn mặt (không có giao tiếp bằng mắt) nên nếu không vững sẽ dễ bị chao đảo tinh thần”.
Thống lĩnh IELTS theo cách bạn muốn
Như đã nói ở trên, thi IELTS cần cả kiến thức lẫn kỹ năng. Thật khó tin khi hiện tại có nhiều trung tâm IELTS cam kết đầu ra trong khi chưa cần biết thực lực của học viên như thế nào. Mẹo làm bài có thể giúp bạn “lách” một vài câu nhưng không thể khiến một bạn thí sinh có thực lực 5.0 “nhảy phóc” lên vị trí 7.5. Muốn điểm cao, trước hết bạn cần phải có “tường thành” kiến thức vững chãi cái đã.
“Bồi đắp phù sa” kiến thức
M.Nhân chia sẻ bí quyết: “Thật ra mình không “cày bừa” để được 8.0, mà từ nhỏ mình đều xem việc học tiếng Anh như một niềm vui. Mình có thể xem meme (những hình ảnh chế vui vui) bằng tiếng Anh cả ngày, nó sẽ cung cấp một vốn từ lớn trong văn nói, khiến cho mình có thể nói chuyện tự nhiên hơn, nghe không bị “sách vở” quá. Nhiều người bảo đọc sách là thói quen cần có nhưng nếu bạn không thích thì vẫn có nhiều cách để thay thế. Mình thích xem video hơn vì có thể lấy được thông tin bổ ích nhanh chóng, và còn có thể luyện nghe nữa. Mình hay xem các video về trồng cây hoặc về động vật”.
Đừng bao giờ xem thường chú rùa chạy chậm mà thắng thỏ, vì những kiến thức bạn tích lũy qua năm tháng luôn lợi hại hơn những công thức mì ăn liền. Thục Phương kể lần đi thi vừa rồi, trong bài nghe buổi thảo luận về các loài cá: “Mình không hề nghe được người trong đoạn băng nói con cá ở câu 2 tên gì, nhưng mình biết chắc chắn nó là cá nhà táng vì cái đầu quá đặc trưng, thêm nữa mình cũng biết cá nhà táng tiếng Anh là sperm whale, nên dù không nghe được mình vẫn làm đúng câu đó. Mình hay ghi nhớ những gì đặc biệt và nó giúp mình rất nhiều trong bài thi, dù không biết rõ đáp án nhưng có thể đoán được”.
Quốc Bảo (đạt 7.5 IELTS) chia sẻ: “Mình không áp lực chuyện thi IELTS, dù trước khi đi thi cũng có luyện một vài bộ đề cho quen tay. Mình thi IELTS vào năm lớp 11, nhưng mình đã bắt đầu đọc truyện chữ bằng tiếng Anh từ lớp Chín. Mới đầu có thể đọc những truyện đơn giản, dễ nuốt, sau tăng độ khó dần lên. Cuốn mình tâm đắc nhất là The Diary of a Nobody của Worldworth Classics vì nội dung không hack não (chỉ là nhật ký ghi lại những sự việc vụn vặt) nên mình có thể vừa đọc vừa học từ mới luôn chứ không phải lật từ điển tra từ lia lịa để hiểu cốt truyện”.
Chị Trang P. (đạt 8.5 IELTS, hiện đang là giáo viên của Trung tâm Anh ngữ tại TP.HCM) chia sẻ, khi chọn sách để đọc, nếu là sách của tác giả nước ngoài viết thì nên chọn bản gốc tiếng Anh để đọc luôn, thay vì đọc bản dịch tiếng Việt. “Vì như thế mình sẽ hiểu tường tận ý đồ của tác giả, cách chơi chữ đặc thù của tiếng Anh mà nhiều khi dịch qua tiếng Việt sẽ làm mất cái hay của nó. Đọc sách tiếng Anh cũng sẽ giúp mình tăng vốn từ học thuật, rất tốt cho writing (phần thi viết)”.
Chơi game và xem phim cũng được “bình chọn” như hai cách bổ sung kiến thức tuyệt vời. Bạn thấy từ apocalypse (nghĩa là tận thế) có rắc rối không? Thế nhưng nếu xem phim hành động hay chơi game thì những từ vựng level cao kiểu như vậy sẽ tự nhiên “nạp” vào não bạn mỗi ngày chẳng cần cố gắng, có khi bạn còn thích đọc những từ như thế này luôn vì ít người sử dụng, nghe rất “ngầu”.
Và một chút “bí quyết” không phải ai cũng biết
IELTS là kì thi tiếng Anh học thuật, nên những kiến thức về tiếng Anh trong văn nói thân mật bạn có thể tạm gác qua. Về ngữ pháp, bạn phải dùng thật chuẩn và đa dạng (trong phần nói và viết). Từ vựng cũng nên được thay đổi (thường được gọi là kỹ năng paraphrase, tức là bạn dùng những từ khác để diễn tả để tránh lặp từ) nhưng hơn hết phải dùng đúng chỗ. Nhiều người hay hiểu lầm là bài viết hay nói của IELTS phải dùng từ “đao to búa lớn” thì mới dễ đạt điểm cao được. Nhưng thầy Simon, từng là người chấm thi của IELTS, đã nói rằng những bài viết đạt 9.0/9.0 chỉ thường sử dụng những từ nghe rất đơn giản, nhưng thật ra lại được dùng rất chính xác, đúng lúc, đúng chỗ, và thường được dùng theo một cụm (collocation).
Về kỹ năng nói, bạn cứ tự nhiên như đang nói chuyện với một người bạn nước ngoài. Theo các thầy cô ở Hội đồng Anh (BC), chỉ có kỹ năng nói là ảnh hưởng đến điểm của các bạn (vì người canh thi sẽ thu âm bài thi của bạn rồi mới về chấm chứ không chấm tại chỗ) nên các thói lịch sự, giao tiếp bằng mắt không quan trọng. Tuy nhiên Hương Giang (đạt 8.0 IELTS) chia sẻ rằng “Nếu cứ “nhìn trần nhà” thì bạn sẽ có cảm giác đây là một cuộc thi căng thẳng. Còn nếu có thói quen giao tiếp bằng mắt hoặc tự do “vung tay múa chân” khi nói từ cứ tự nhiên, vì nó sẽ khiến bạn thoải mái hơn, ý tưởng dồi dào hơn”.
Vì thi nói của IELTS đều có “dàn bài” và thời gian quy định, nên bạn buộc phải biết qua công thức: giới thiệu - giải thích - cho ví dụ (đối với phần 2 - độc thoại trong hai phút, bạn còn cần phải có nói về dự định tương lai của bạn với chủ đề cho sẵn nữa). Bên cạnh đó còn phải sử dụng nhuần nhuyễn các từ nối (như moreover, however, firstly, lastly, for example…) và các thì (càng đa dạng càng được đánh giá cao). Nhiều bạn nhận xét những “dàn bài” này khiến ý tưởng bị bó buộc, nhưng thật ra khi đã quen, nó đóng vai trò như một cách giúp bạn gợi mở ý tưởng ra nhiều thêm. Hoặc khi bạn nói những từ nối, cũng là lúc bạn có thêm 1-2 giây để suy nghĩ tiếp ý tưởng, tránh “thời gian chết” quá lâu.
Cuối cùng là phong độ ở mức cao nhất có thể. Thục Phương kể lại kỷ niệm “đau thương” khi đi thi IELTS: “Lần đầu mình đi thi nên hơi bỡ ngỡ, mình check-in và vào phòng thi ngồi sớm hơn giờ thi 45 phút mới phát hiện ra mình muốn đi vệ sinh, nhưng lúc đó người ta không cho ra khỏi phòng thi nữa. Mình chỉ được ra khỏi phòng sau khi kết thúc bài thi nghe (phần thi đầu tiên). Kết quả là mình nhịn suốt gần 4 tiếng đồng hồ. Vậy nên mọi người nên đi vệ sinh, làm những hoạt động cá nhân sao cho cảm thấy tự tin nhất rồi hẵng bước vào phòng thi”.