Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TP. HCM, Ngân hàng Nam Á tổ chức.
“Cô ơi, con người ai mà không suy nghĩ, ai mà chả lo lắng”
Đây là chia sẻ từ một bạn học sinh với Thạc sĩ Tâm lý Trần Thị Thanh Trà. Chuyên gia này cho biết: “Overthinking chúng ta đều có, tuy nhiên cách chúng ta sử dụng não bộ cộng với cách thích nghi của mình với áp lực đó mới là câu chuyện”.
Theo cô Thanh Trà, rất nhiều học sinh THPT ngày càng áp lực về điểm số, thi cử và các mối quan hệ xung quanh. Đầu tiên là áp lực về điểm số, áp lực thứ hai là áp lực về các mối quan hệ, thứ ba là các bạn bị rối loạn sức khỏe tâm thần. "Tất cả những cái đó dẫn đến overthinking rất nhanh. Cuộc đời con người có nhiều thứ lắm, không chỉ là giải phương trình (x +y)^2 bằng bao nhiêu là chúng ta có thể thành công", cô Thanh Trà bày tỏ.
ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà chia sẻ với các bạn học sinh tại chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Trước những chia sẻ của các bạn học sinh về áp lực trước điểm số, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà nhấn mạnh, điểm số không để đánh giá giá trị hoạt động của một con người nhưng là cơ hội để giúp các bạn trẻ tiệm cận với những mục tiêu đặt ra.
Một bạn học sinh đặt câu hỏi với diễn giả của chương trình. (Ảnh: Ngô Tùng) |
“Mỗi con người có điểm mạnh và điểm yếu riêng, con người chúng ta có tám loại hình trí thông minh, miễn là các bạn tìm ra được điểm mạnh của mình để lấy cái đó làm cơ sở và mục tiêu thì lúc đó chúng ta nhận diện được bản thân và phát triển được giá trị riêng. Thành công không phải giải một phương trình là thành công, nó là một cơ sở để giúp các bạn hoàn thành được mục tiêu đầu tiên trong cuộc đời của các bạn - mục tiêu học tập”, ThS Tâm lý Trần Thị Thanh Trà nói.
Con đường ngắn nhất dẫn tới thành công
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dgroup Holdings - Hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam chia sẻ tại chương trình: “Khi các bạn đi làm, các bạn muốn đi con đường ngắn hay con đường dài, đó là do các bạn. Khi bạn có sự tập trung ở thế mạnh và sở trường của mình thì bạn có thể đi con đường ngắn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường - nơi rèn luyện sở trường của mình để trở thành xuất sắc, thì đấy là lúc bạn phát huy được năng lực bản thân mình. Nên tôi thường khuyến khích các bạn trẻ hãy đi tìm cho mình được thứ gọi là sở trường, tiếp theo là đặt câu hỏi: “Liệu sở trường đó mình có thực sự đam mê và yêu thích đến cuối cùng hay không?” Vì nó không chỉ ở trên ghế nhà trường mà cái nghề đó còn theo đến bạn đến cuối cuộc đời”.
Ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ cùng các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q. Tân Bình, TP. HCM). (Ảnh: Ngô Tùng) |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Huy cũng nhắn nhủ tới các em học sinh: “Trải nghiệm rất quan trọng, kiến thức lại càng quan trọng hơn vì nó giúp mình bớt thời gian để trải nghiệm. Nếu chúng ta không có hai thứ đó thì sẽ mất rất nhiều tiền để mua. Những nỗ lực, miệt mài không hề dễ chịu nhưng những người càng thành công là những người vượt qua được sự dễ chịu ấy, những người đó có thói quen vượt qua được khó khăn nên gặp bất kỳ cái gì đó trong tương lai, gọi là thử thách thì các bạn đều có cách vượt qua được và đó là tố chất của người thành công".
Ban Tổ chức chương trình tặng hoa cho hai diễn giả tham gia chương trình sáng 8/4. (Ảnh: Ngô Tùng) |
Làm sao để chúng ta vượt qua áp lực học tập, thi cử?
Chuyên gia Trần Thị Thanh Trà đã nhắn nhủ các bạn học sinh, hãy coi học tập là quá trình “Step by step”, ngồi lại và lập ra kế hoạch học tập, vạch kế hoạch ngắn, khi đạt được những mục tiêu ngắn thì lúc đó có thể hoàn thành được mục tiêu xa hơn và dài hơn trong tương lai.
“Khi quá căng thẳng, quá áp lực, thì hãy tập trung thở sâu và kỹ thuật thư giãn để chúng ta vượt qua giai đoạn mà chúng ta không kiểm soát được cảm xúc của mình. Tập tư duy tích cực, thì chắc chắn khi bước vào trường học, các bạn có mục tiêu rõ ràng thì sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt. Sử dụng người hỗ trợ xung quanh như thầy cô, bạn bè và gia đình giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, chuyên gia Trần Thị Thanh Trà mách nước.