Chẳng ai muốn cãi nhau nhưng cũng chẳng ai tránh được. Mà cãi nhau cũng là một phần bình thường của mọi mối tình.
Tuy nhiên, cãi nhau suốt, hay chẳng bao giờ cãi nhau, cũng đều không phải là chuyện tốt. Khi bạn có những cuộc tranh cãi lành mạnh, mang tính xây dựng, về những vấn đề quan trọng, thì bạn và người yêu có thể hiểu nhau hơn và gắn bó hơn.
Vậy, làm thế nào để cãi nhau “lành mạnh”? Các nhà tâm lý học đã đưa ra một gợi ý rất thú vị: Đặt lịch cho các cuộc tranh cãi!
Ban đầu, bạn có thể thấy lời khuyên này rất kỳ lạ. Nhưng nếu bạn nghe họ giải thích, bạn sẽ hiểu ra vấn đề: Thay vì cãi nhau ngay cái khoảnh khắc mà cả hai người đang nóng giận, căng thẳng, thì mỗi khi thấy mình sắp cãi nhau, hãy… đặt lịch.
Như thế không có nghĩa là bạn sẽ trì hoãn việc tranh cãi này đến tuần sau, mà là bạn nên để mỗi người có khoảng vài tiếng đồng hồ để suy nghĩ kỹ về cảm xúc của mình, rằng tại sao mình lại tức giận. Rồi hai bên có thể tiếp tục tranh luận khi đã suy nghĩ cẩn trọng. Bằng cách này, hy vọng là cả hai bên sẽ tránh nói những lời xúc phạm nhau do nóng giận. Thay vì thế, cả hai đều có thể tìm được gốc rễ của vấn đề và đưa ra giải pháp hợp lý, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Thường thì chúng ta cứ hãy cãi nhau về cùng một chuyện, từ lần này sang lần khác. Mặc dù “chủ đề” của các cuộc tranh cãi có thể thay đổi về lý thuyết nhưng nếu bạn nhìn ra nguyên nhân sâu xa của các cuộc tranh cãi, rất có thể, bạn thấy đó vẫn là… lý do cũ mà thôi!
Một ví dụ mà tạp chí Time đưa ra là một cặp đôi rất hay có kiểu cãi nhau mà chúng ta có thể gọi là “cãi nhau lúc 6h tối” vào các ngày trong tuần. Lý do là vì một người thì muốn kể lể, tâm sự về một ngày của mình, còn người kia thì thấy mệt ngất ngây rồi, chỉ muốn yên lặng thư giãn. Người thứ nhất cảm thấy mình không được quan tâm, còn người thứ hai thì không muốn nói chuyện. Thế là họ cãi nhau về đủ thứ vấn đề, trong khi, lý do sâu xa chỉ là hai người có cách “giải tỏa cuối ngày” khác nhau mà thôi.
Vì vậy, thay vì ngày nào cũng cãi nhau vì cùng lý do, bạn nên nhìn kỹ xem điều gì gây ra những trận cãi vã đó và tìm giải pháp hoặc thỏa hiệp để hai bên cùng hài lòng. Ví dụ, khi có vẻ “xung đột” lại sắp nổ ra thì thỏa thuận rằng cả hai bên ngừng nói (hoặc ngừng nhắn tin, ngừng điện thoại), để mỗi người đi làm việc khác của mình (đi dạo ngoài trời, nếu có thể), khoảng một tiếng sau mới gặp lại nhau.
Ngoài ra, để cãi nhau một cách “lành mạnh” thì khi tranh cãi, bạn hãy đảm bảo rằng, mình thực sự lắng nghe đối phương, đặt ra các câu hỏi. Và khi bạn sai, hãy học cách xin lỗi cho đúng. Bằng cách này, bạn sẽ giảm được rất nhiều sức ép cho tình yêu của cả hai người.