Theo ông Huỳnh Văn Chương, trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế, Bộ có thể điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.
Trước đó, tại họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, hôm 29/6, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, chủ trương chung của Chính phủ trong mọi vấn đề là phân cấp, song hiện chưa phải thời điểm để giao Kỳ thi tốt nghiệp THPT về từng địa phương.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD - ĐT) thông tin tại buổi họp báo chiều 29/11. |
Hiện, các tỉnh, thành tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch của Bộ. Kỳ thi diễn ra chung đề, chung đợt, chung kết quả. Trừ công đoạn ra đề, địa phương cơ bản làm hết các phần việc, gồm coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp. Kể từ năm 2020, tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt trên 98%.
Từ năm 2025, phương án thi thay đổi với chỉ hai môn thi bắt buộc và hai môn tự chọn để phù hợp với lứa học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo Bộ GD - ĐT, trước mắt cách thức tổ chức vẫn như hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ GD - ĐT cũng sẽ giữ ổn định thi tốt nghiệp THPT trên giấy đến năm 2030, song song với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; sau năm 2030 từng bước thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở những nơi đủ điều kiện.
Ngày 28/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn Văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Môn Văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.