Đề tài nghiên cứu này là đề tài duy nhất thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội vinh dự đoạt giải Nhất Euréka 2023. Nhóm sinh viên tham gia thực hiện đề tài gồm: Đoàn Nguyễn Ái Xuân, Vũ Thị Vi Diệu, Vương Thị Khánh Thư và Võ Thành Tiến, đều là các sinh viên năm thứ tư đến từ khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM.
Nhóm nghiên cứu đoạt giải Nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2023”. |
Giúp học sinh THPT gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần
Chia sẻ lý do chọn đề tài về sức khỏe tinh thần và đối tượng là học sinh THPT, Đoàn Nguyễn Ái Xuân - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đầu tiên, chúng mình muốn vận dụng những kiến thức chuyên ngành Tâm lý học đã học được để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể hơn, đối tượng chúng mình muốn hướng đến là học sinh THPT vì thực trạng nhiều học sinh THPT gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng mạnh với nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, được đưa tin trên báo đài".
Nhóm của Ái Xuân muốn góp phần làm giảm thực trạng này với mục đích giúp các bạn học sinh hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, biết quan tâm và chủ động hơn trong việc chăm sóc bản thân, hướng đến một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc. Từ đó, việc hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp sức khỏe tinh thần cho học sinh sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Sinh viên Đoàn Nguyễn Ái Xuân - Chủ nhiệm đề tài. |
Thông qua đề tài “Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho học sinh THPT”, nhóm nghiên cứu đã cung cấp số liệu, thực trạng nhận thức về sức khỏe tinh thần của học sinh. Đồng thời, xây dựng được một giải pháp, đó là cuốn cẩm nang “Tầng thượng trên không” nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần dành riêng cho học sinh THPT.
Bên cạnh đó, đây còn là tài liệu tham khảo hữu ích để phụ huynh, nhà trường có thể hỗ trợ các em trong việc phòng ngừa và giải quyết các vấn đề tâm lý. Kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng để mở rộng những nghiên cứu mới về sức khỏe tinh thần nói chung và nhận thức về sức khỏe tinh thần nói riêng.
Cả vòng Bán kết và Chung kết, đề tài của nhóm đều nhận được sự ủng hộ, hài lòng từ Hội đồng Ban Giám khảo. Các chuyên gia trong và ngoài lĩnh vực Tâm lý học đều nhận xét đề tài có giá trị thực tiễn cao và mang tính thời sự. Các kết quả nghiên cứu được thể hiện rõ ràng, chứng minh được giả thuyết, kết luận thể hiện được giá trị của đề tài và có kiến nghị phù hợp. Sản phẩm cuối cùng là cuốn cẩm nang “Tầng thượng trên không” đáp ứng được sự phù hợp về cả nội dung lẫn hình thức.
Cẩm nang “Tầng thượng trên không” là sản phẩm của đề tài với thông điệp “Healthy is not only physical, but also mental”. |
Hơn 500 ngày hoàn thiện bài nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu chia sẻ, với đề tài “Xây dựng cẩm nang nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần cho học sinh THPT” đã kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu và được thực hiện trong khoảng thời gian khá lâu. Trong đó, nhóm đã thu thập dữ liệu từ các học sinh của trường THPT Tân Túc và trường THPT Năng khiếu TDTT trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP. HCM.
Có những khoảng thời gian, cả nhóm làm việc hiệu quả, năng suất, nhưng cũng có những lúc khó khăn, căng thẳng, áp lực liên quan đến bài nghiên cứu song song với công việc học tập khiến các thành viên nhiều lúc trở nên chán nản, mất động lực tiếp tục. Nhưng cả nhóm đã tự cố gắng, động viên nhau, nhớ đến trách nhiệm của mình để tiếp tục tìm giải pháp và đã có thể đi qua hết những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua.
Nhóm 4 sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu. |
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học và đạt được những dấu ấn như ngày hôm nay, nhóm nghiên cứu bày tỏ sự biết ơn đến thầy Minh Thành - giảng viên hướng dẫn của nhóm, đã nhiệt tình hỗ trợ về mặt chuyên môn lẫn tinh thần, thầy luôn kịp thời cung cấp các tài liệu chuyên ngành mới được cập nhật trong và ngoài nước nhằm giúp nhóm nắm được các kiến thức mới, mở rộng sự hiểu biết đối với chủ đề đang nghiên cứu.
Chia sẻ về lợi ích mà nghiên cứu khoa học mang lại cho sinh viên nói chung và bản thân nói riêng, Ái Xuân bày tỏ: “Theo mình, lợi ích mà nghiên cứu khoa học mang lại cho sinh viên là rất nhiều, từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và sự thay đổi chính bản thân mình. Nghiên cứu khoa học giúp mình hiểu sâu một quá trình nghiên cứu khoa học diễn ra như thế nào, giúp mình tìm tòi, vận dụng kiến thức đã học một cách sâu sắc hơn, tìm cách đưa nó vào thực tiễn… Và theo mình, nghiên cứu khoa học cần sự dấn thân và phải thật sự dành thời gian, công sức cho nó. Vì đây là một quá trình không dễ dàng, nhiều căng thẳng, nhưng đổi lại, chúng ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng với công sức mà ta đã dành cho nghiên cứu khoa học”.