Các đối tượng dưới vỏ bọc là nhà kinh doanh, trưởng dự nhóm dự án, để thực hiện hành vi lừa đảo đa cấp. Ngoài ra, để tăng “uy tín” của mình, các đối tượng còn lấy hình ảnh, tên tuổi của các thầy cô giáo để cắt ghép và "thuyết phục" những hệ thống bán hàng, dự án này có sự tham gia của các thầy cô. Một số trường hợp còn sử dụng hình ảnh của những dự án khác và nhận mình là người tổ chức, thực hiện dự án.
Các đối tượng chủ động liên lạc đến các bạn sinh viên thông qua mạng xã hội. Qua đó, muốn các bạn tham gia vào tổ chức và hứa hẹn mang lại nhiều ưu đãi. Huỳnh Thu Thủy (trường ĐH Ngân hàng TP. HCM) kể: “Mình đã từng gặp phải nhiều trường hợp về lừa đảo. Ban đầu, họ giới thiệu mình là trưởng nhóm hoặc là ban tổ chức đang thực hiện một dự án cộng đồng. Sau đó, họ cho biết tham gia vào dự án sẽ được quyền lợi về việc nâng cao thu nhập, kỹ năng mềm, giao tiếp hoặc ngoại ngữ nhằm lôi kéo sinh viên như mình”.
Có những trường hợp còn tìm cách liên lạc, hẹn gặp trực tiếp các bạn sinh viên để thực hiện hành vi lừa đảo. Như trường hợp của Võ Như Khánh, (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình đã gặp trường hợp người gọi điện đến giới thiệu bản thân đến từ công ty và hẹn gặp phỏng vấn trực tiếp. Khi mình đến chỗ hẹn thì đó hoàn toàn không phải là công ty như đã nói. Họ còn dẫn dụ bằng cách đề cập đến việc nhẹ lương cao, làm việc tại nhà thoải mái. Đồng thời, còn bắt buộc đưa ra các giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, thẻ ATM và đòi đóng phí trước. Cũng may mà mình cảnh giác”.
Không ít sinh viên bị các đối tượng lừa đảo nhắn tin, lôi kéo tham gia vào các hệ thống bán hàng đa cấp bất chính. |
Để phòng tránh tình trạng này, mỗi bạn trẻ cần tự cảnh giác và sớm nhận ra hành vi lừa đảo trên mạng để tránh rơi vào những bẫy giăng sẵn của những đối tượng lừa đảo đa cấp bất chính.
ThS Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Trưởng Phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM cho biết, không phải tất cả các tổ chức kinh doanh đa cấp đều là bất chính, lừa đảo. Một số ít doanh nghiệp hiện nay kinh doanh mô hình này một cách chân chính, có tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, một số mô hình đa cấp đã “biến tướng”, trở nên bất hợp pháp tại Việt Nam. Phương thức này gọi là “mô hình kim tự tháp”: hoạt động huy động tài chính trái phép và vận hành dựa trên sự lừa đảo.
Cũng theo ThS Nguyễn Quỳnh Nga, nếu như các bạn tham gia tổ chức kinh doanh bán hàng đa cấp được yêu cầu đóng một khoản tiền, mua một số lượng sản phẩm nhất định, hoặc được trả "hoa hồng", nếu rủ rê thêm nhiều người khác đăng ký tham gia thì tổ chức này đang kinh doanh trái với quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
ThS Nguyễn Quỳnh Nga "bật mí" một số cách để tránh "bẫy đa cấp" bất chính. |
Đứng trước vấn đề lừa đảo kinh doanh đa cấp, các bạn sinh viên cần phải có những kỹ năng để bảo vệ chính mình. ThS Nguyễn Quỳnh Nga chia sẻ thêm: “Trên quan điểm cá nhân, mình có một số lời khuyên đến các bạn. Đầu tiên, bạn phải tìm hiểu thật kỹ quy định của pháp luật về lĩnh vực đó trước khi bắt đầu thực hiện. Cần tìm hiểu tất cả những thông tin về doanh nghiệp, tổ chức mà bạn dự định đăng ký, nộp hồ sơ. Đó có phải là các công ty mà báo chí, cơ quan chức năng vẫn đang cảnh báo hay không? Tiếp theo, các bạn cần chủ động và dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm hiểu thông tin về kinh tế, đời sống xã hội… Cuối cùng, hãy trình báo cơ quan chức năng nếu như bạn hay người thân là nạn nhân của mô hình kinh doanh bất hợp pháp này”.