Nghề giáo vốn là một nghề nhiều hy sinh và cống hiến. Đặc biệt, với các thầy cô giáo vùng cao, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần là dạy học mà còn là sứ mệnh vươn lên, vượt qua những khó khăn địa lý, đời sống và văn hóa để mang ước mơ đến với trẻ em miền sơn cước. Trong không khí Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam đang diễn ra trên khắp cả nước, hãy cùng lắng nghe cảm nhận của những tấm gương thầy, cô giáo trẻ đang công tác tại một số điểm trường vùng núi phía bắc.
Học sinh là động lực để thầy cô bám trường, bám bản
Gần 10 năm công tác trong sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Hoàng Diễm (29 tuổi) đã dành cả tuổi trẻ của mình để gắn bó với huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Quãng thời gian ấy cũng giúp anh chàng có đủ trải nghiệm và thấu hiểu nỗi khó khăn của thầy, trò vùng cao.
Thầy giáo Hoàng Diễm cùng học sinh tại trường PTDTBT TH Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang. |
Theo lời chia sẻ, đã có thời điểm Hoàng Diễm phải di chuyển quãng đường 40km và đi bộ thêm 10km để đến được điểm trường dạy học. Sau đó, anh được chuyển đến công tác tại trường PTDT Bán trú Tiểu học Ma Lé tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (cách nhà 12 km). Hàng ngày gần gũi với trẻ em dân tộc thiểu số, Hoàng Diễm luôn hiểu được nỗi khổ của các em. Hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp, cuộc sống gia đình thiếu thốn, đường đi học xa xôi và trắc trở… là những điều ngăn cản cơ hội học tập của trẻ em ở nơi này.
Thầy giáo Hoàng Diễm hướng dẫn các em học sinh vùng cao cách gấp chăn màn. |
Hoàng Diễm tâm sự: “Động lực lớn nhất để mình cũng như nhiều giáo viên vùng cao khác lựa chọn cống hiến cho nơi đây là vì tương lai các em. Vượt qua khó khăn, được thấy những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của các em khiến mình vô cùng hạnh phúc. Các em được đi học, phần nào được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em vẫn cố gắng đi học đều, ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô”. Cũng chính vì điều ấy mà người thầy vùng cao luôn dành nhiều thời gian cho học sinh của mình. Bên cạnh dạy học kiến thức trên lớp, Hoàng Diễm còn dạy kỹ năng sống, biểu diễn văn nghệ để nâng cao khả năng tự tin cho các em dân tộc thiểu số.
Hết lòng vì đàn em thân yêu
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Và Thị Kia (23 tuổi) trở về quê hương và nhận công tác chủ nhiệm lớp 2A5 tại Điểm trường Bản Mới - trường TH và THCS Thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Là một người con dân tộc Mông, từ nhỏ Kia đã mơ ước trở thành một giáo viên để mang con chữ về bản. Lớp mà Kia chủ nhiệm chỉ có 10 em học sinh, trong đó đã có 7 em gia đình thuộc hộ nghèo, 1 em thuộc hộ cận nghèo, 2 bạn khó khăn vì gia đình đông anh em.
Điểm trường Bản Mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. |
Khi kể về học sinh của mình, Và Kia bày tỏ: “Các em học sinh ở đây đều là người dân tộc Mông nên còn nhiều hạn chế trong việc giao tiếp bằng tiếng Việt. Do đó, việc học của các em cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều lúc các em không hiểu, tôi phải nói bằng tiếng dân tộc để hướng dẫn các em. Nhiều bạn bố mẹ đi làm xa, ở với ông bà nên không được quan tâm, nhiều khi đến lớp không có bút để viết bài, về nhà không ai dạy các em học,… Mùa đông về nhưng nhiều bạn không có quần áo ấm để mặc. Có những bạn gia đình không mua được đôi giày phải đi dép giữa mùa đông giá rét. Khi thấy các em như vậy, tôi biết mình cần phải cố gắng thật nhiều hơn nữa”.
Cô giáo Và Kia hướng dẫn các em học sinh luyện chữ đẹp. |
Để gần hơn với học sinh của mình, Và Kia lựa chọn ở lại gần điểm trường để không phải di chuyển quãng đường gần 30km từ nhà. Hàng ngày, cô giáo người Mông luôn hết lòng trong mỗi bài giảng của mình, cùng tâm sự, động viên các em nhỏ vươn lên hoàn cảnh khó khăn, trở thành những người có ích cho xã hội. Chính Và Kia cũng là một tấm gương sáng để các em học sinh của mình noi theo.
Tiếp bước những thế hệ “gieo chữ vùng cao”
Bước ra từ ngôi trường PTDT Nội trú ATK Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, cậu bé Tiến Mạnh ngày nào giờ đã trở thành một giáo viên Lịch sử của chính ngôi trường này. Là một học sinh người dân tộc Nùng, bắt đầu học tập và sinh sống tập trung tại môi trường nội trú từ năm lớp 6. Giờ đây, Tiến Mạnh đã trưởng thành và tiếp tục nối bước các thầy cô giáo mang đến sứ mệnh cao cả với các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số của mình.
Thầy giáo Tiến Mạnh mới nhận công tác tại trường PTDTNT ATK Sơn Dương từ giữa năm 2023. |
Tiến Mạnh chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dù có rất nhiều sự lựa chọn nhưng tôi muốn cống hiến được công sức với ngôi trường cũ để đưa tri thức đến với những học sinh dân tộc thiểu số như tôi. Tiếp xúc với học sinh nhà trường, tôi thấy lại được hình bóng của mình từ những ngày chập chững tự lập cho tới khi trưởng thành như ngày hôm nay”
Giờ học bộ môn Lịch sử của thầy giáo Tiến Mạnh. |
Từ hình ảnh chính bản thân mình nhiều năm về trước, Tiến Mạnh hiểu được nỗi khó khăn của các học sinh dân tộc nội trú là việc ăn ở, sinh hoạt tại trường, sự ngây ngô và nỗi nhớ gia đình in mãi trong tâm trí các em. Vì thế, dưới cương vị là một giáo viên, Tiến Mạnh luôn ân cần, chăm lo và khuyên bảo học sinh như con em mình.
Thật tự hào và đáng trân trọng biết bao về những tấm gương thầy, cô giáo trẻ vùng cao đã vì đàn em mà tình nguyện bám trường, bám bản. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được gửi đến họ những lời cảm ơn và tri ân sâu sắc nhất.