Ở đội tuyển đua thuyền (Rowing) Việt Nam, Phạm Thị Huệ là một nhân vật vô cùng đặc biệt. Cô gái sinh năm 1988 này là người lớn tuổi nhất và người duy nhất còn sót lại từ SEA Games 26. Ở giải đấu đó, Huệ thi đấu xuất sắc và giành HCV. Nhưng câu chuyện đằng sau tấm huy chương đó khiến cả nước vừa xúc động vừa thương. Ấy là khi cô băng băng về đích để giành vị trí cao nhất và bước lên bục nhận huy chương, cả các HLV, đồng đội và báo chí ngỡ ngàng khi cô gái Quảng Bình thú thật là đang… mang thai 4 tháng. Câu chuyện đó gây xúc động mạnh vì ý chí vượt khó nhưng cũng không ít ý kiến trách móc cô quá mạo hiểm.
Phạm Thị Huệ (trái) với chiếc HCB SEA Games 30 tại Indonesia. |
Mãi sau này, Phạm Thị Huệ mới kể lại, lúc ấy thấy sức khỏe rất tốt, không bị ốm nghén hay bất cứ dấu hiệu bất ổn nào. Hơn nữa, đây lại là SEA Games mà cô quyết tâm phải giành bằng được chiếc HCV, nên ngoài cha mẹ hai bên, cô giấu kín đến mức cả HLV và đồng đội đều không hay biết. “Nếu biết chắc mình đã không thể góp mặt thi đấu, lỡ mất chiếc HCV. Nhiều người còn trêu phải đặt tên bé gái là Rowing vì ngay trong bụng mẹ đã là nhà vô địch”, Huệ kể.
Đến nay, “chị” sinh viên Phạm Thị Huệ đã có trong tay thành tích vô cùng đáng nể với 2 HCB ASIAD 2013, 3 HCV SEA Games 2015. Đặc biệt là 2 lần giành vé đến Olympic, nhưng thật oái oăm cả hai lần đều… phải ở nhà vì những quy định của ban tổ chức.
Tại vòng loại Olympic Rio 2016 khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Hàn Quốc, Phạm Thị Huệ đã tỏa sáng khi đứng hạng 4 chung cuộc nội dung thuyền đơn hạng nhẹ. Theo luật, việc đạt chuẩn (5 vị trí đầu tiên) đương nhiên giành vé dự Olympic. Nhưng quy định của nhà tổ chức lại chỉ cho phép mỗi quốc gia chỉ được tối đa một suất cho VĐV nữ. Mà ở vòng loại đó, Việt Nam lại có bộ đôi Phạm Thị Thảo – Tạ Thị Huyền cũng đạt chuẩn ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ. Tình thế ấy buộc phải chọn một trong hai và ưu thế về số lượng đã khiến cô gái Quảng Bình phải…ở nhà.
Phạm Thị Huệ (bìa phải) góp công mang nhiều thành tích cho đội Rowing Việt Nam. |
Tạm quên nỗi buồn không được tham dự ngày hội thể thao lớn nhất thế giới, Phạm Thị Huệ quay trở lại vừa tập luyện vừa chuẩn bị để theo học Khoa Huấn luyện thể thao, trường ĐH TDTT Đà Nẵng. Tại Giải vòng loại Olympic tại Nhật Bản diễn ra từ ngày 30/4 - 7/5/2021, cô sinh viên năm thứ 2 này lại xuất sắc giành vé dự Olympic Tokyo 2021. Ở nội dung thuyền đơn hạng nhẹ, Huệ xếp vị trí chung cuộc 4/14 nước. Và cũng như lần trước, việc BTC chỉ cho một suất nữ khiến Huệ lại phải ở nhà để dành suất cho bộ đôi Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo ở nội dung thuyền đôi, cũng đạt chuẩn ở vòng loại này.
Qủa thật, trong lịch sử thể thao Việt Nam, có lẽ Phạm Thị Huệ là trường hợp hiếm hoi cả hai lần giành vé đi Olympic mà đều phải ở nhà.
Đạt nhiều thành tích trong thể thao, Phạm Thị Huệ còn khiến người khác ngưỡng mộ vì ý chí và tinh thần vượt khó. Ngay từ khi mới từ Quảng Bình lên Hà Nội tập trung cùng đội tuyển quốc gia tại CLB đua thuyền Hồ Tây, cả đội sinh hoạt trong căn phòng chỉ hơn 10m2, điều kiện thiếu thốn và sơ sài, nhưng Huệ và đồng đội vẫn nỗ lực tập luyện để mang về thành tích cao cho môn đua thuyền Việt Nam.
Lập gia đình, Phạm Thị Huệ là VĐV hiếm hoi ở Việt Nam đã có hai mặt con nhưng vẫn tiếp tục thi đấu đỉnh cao. Những chuyến tập huấn và thi đấu liên miên khiến quãng thời gian ở bên hai con của cô mỗi năm chỉ chừng 2 tháng. Mọi thứ đều trông vào bàn tay của chồng, cũng từng là một VĐV đua thuyền, và sự giúp đỡ của ông bà. Nhiều đồng nghiệp nước ngoài khi biết câu chuyện này vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ Huệ vì cô vẫn đủ thể lực và ý chí để sắp xếp gia đình mà thi đấu.
Phạm Thị Huệ (bìa phải) cùng các sinh viên trường ĐH TDTT Đà Nẵng trong lẽ tuyên dương khen thưởng của UBND TP.Đà Nẵng. |
Chưa dừng lại ở đó, Huệ còn tiếp tục theo đuổi việc học. Vì thi đấu liên miên, mãi đến năm 31 tuổi, Phạm Thị Huệ mới bước vào giảng đường ĐH, trở thành sinh viên lớn tuổi nhất của lớp. Ở lớp, Huệ được các sinh viên đồng môn gọi là chị, không chỉ vì lớn tuổi nhất mà còn vì luôn là tấm gương về ý chí và nghị lực.
Vừa tập luyện, vừa thi đấu, vừa đi học, Phạm Thị Huệ còn bán thêm vé máy bay để kiếm thêm lo cho gia đình. Tại SEA Games 30 vừa qua, dù đã lớn tuổi nhưng cô sinh viên ĐH TDTT Đà Nẵng này vẫn xuất sắc giành thêm chiếc HCB ở nội dung thuyền đôi nữ.
Hai lần giành suất đến Olympic nhưng rốt cuộc đều phải ở nhà, có lẽ là nỗi buồn khó trôi của Phạm Thị Huệ, nhưng nhìn lại, cô sinh viên trường ĐH TDTT Đà Nẵng này đã chiến thắng lớn trong lòng người hâm mộ vì ý chí và tinh thần chuyên nghiệp của mình.