Nguyễn Thuỳ Linh đang là sinh viên theo học ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế tại Đại học Sư phạm Sơn Đông. |
Động lực và ước mơ ban đầu
Từ những ngày còn là một học sinh trung học phổ thông, Thuỳ Linh đã bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ du học Trung Quốc, khởi nguồn từ niềm yêu thích văn hóa giải trí của đất nước này. Ban đầu, cô bị cuốn hút bởi các nhóm nhạc và phim truyền hình Trung Quốc, dần dần cô cũng cảm thấy hứng thú với ngôn ngữ bởi tiếng Trung có cách phát âm khá tương đồng với tiếng Việt.
“Càng về sau, mình càng nhận ra tiếng Trung ngày càng phổ biến hơn, và Trung Quốc lại có rất nhiều học bổng dành cho sinh viên nước ngoài. Mình nghĩ đi du học ở đó sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt cho bản thân sau này”, Linh chia sẻ.
Ngoài yếu tố học tập, chính văn hóa phong phú và lâu đời của Trung Quốc đã thu hút Thuỳ Linh. Cô bị ấn tượng bởi cách quốc gia này giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống qua hàng thế kỷ. Trung Quốc là một đất nước có lịch sử lâu đời, rất nhiều nét văn hóa độc đáo được gìn giữ và phát triển đến tận bây giờ, đó là điều thu hút Linh nhất.
Thuỳ Linh với niềm yêu thích văn hoá Trung Quốc. |
Những khó khăn và sự kiên định
Tuy nhiên, con đường thực hiện ước mơ không hề bằng phẳng. Linh đã phải đối mặt với không ít khó khăn, đầu tiên là việc thuyết phục bố mẹ. "Bố mẹ mình vẫn còn nhiều định kiến về Trung Quốc và không muốn mình đi quá xa. Mình đã phải dành rất nhiều thời gian để giải thích và chứng minh cho bố mẹ thấy quyết tâm của mình", Linh tâm sự.
Dù gặp phải những trở ngại, Thuỳ Linh vẫn luôn giữ vững quyết tâm. Ngay từ khi bắt đầu ấp ủ ước mơ du học, Linh đã tập trung vào việc học tiếng Trung và chuẩn bị hồ sơ du học. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến kế hoạch của cô bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng Linh không hề nản lòng.
“Trong lúc mình học cấp 3 là vào những năm có dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn, không tiếp nhận các du học sinh. Lúc đấy mình cũng hoang mang không biết đến lúc mình thi tốt nghiệp xong liệu Trung Quốc có mở cửa không. Nếu như không mở cửa, không đón học sinh nước ngoài thì mình sẽ phải làm gì?”, Linh cho biết.
Khó khăn cũng không làm Thuỳ Linh giảm bớt sự quyết tâm. |
Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, sự kiên định của cô bạn này lại càng thể hiện rõ hơn khi vào năm Thuỳ Linh học lớp 12. Thay vì đăng ký vào các trường đại học trong nước, cô đã chọn chỉ thi tốt nghiệp THPT, quyết tâm tập trung toàn lực vào mục tiêu du học Trung Quốc. "Mình đã quyết rồi, mình sẽ thực hiện ước mơ này cho bằng được", Linh khẳng định. Chính sự kiên định ấy đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn, để cuối cùng chạm tới giấc mơ mà cô hằng mong ước.
Chinh phục học bổng Khổng Tử
Sau khi xác định rõ ước mơ du học Trung Quốc, Thuỳ Linh bắt đầu bước vào hành trình chinh phục một trong những mục tiêu quan trọng nhất: giành được học bổng. Cô biết rằng việc du học không chỉ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt ngôn ngữ, mà còn cần đến sự nỗ lực vượt qua các vòng xét tuyển gắt gao. Chính từ đây, hành trình săn học bổng Khổng Tử của Linh chính thức bắt đầu, và đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quyết tâm và kiên trì của cô.
"Học bổng Khổng Tử phù hợp nhất với ngành học mà mình chọn, sau khi tìm hiểu từ các anh chị đi trước và tham khảo thêm thông tin trên mạng, mình quyết định đăng ký học bổng này", Linh chia sẻ.
Mục tiêu đạt được học bổng làm Thuỳ Linh càng có thêm động lực. |
Để đạt được học bổng này không hề dễ dàng. Linh phải đáp ứng nhiều yêu cầu, từ việc có chứng chỉ tiếng Trung, thành tích học tập tốt trong 3 năm cấp 3, đến tham gia các hoạt động ngoại khóa và trại tiếng Trung. "Khó khăn lớn nhất là mình không biết có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh và không rõ liệu năm đó Trung Quốc sẽ trao bao nhiêu học bổng cho sinh viên quốc tế”, Linh chia sẻ.
Đặt mục tiêu đạt được học bổng làm cô càng có thêm động lực, Linh tận dụng mọi cơ hội tham gia các trại học tiếng Trung trực tuyến, tìm hiểu văn hóa và tích lũy đến 7 chứng chỉ ngoại khóa, tất cả đều được đưa vào hồ sơ học bổng. Do dịch COVID-19, Linh không thể tham gia trực tiếp các hoạt động tại Trung Quốc, nhưng mình vẫn cố gắng hoàn thiện bản thân qua các lớp học trực tuyến.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực không ngừng, cô giành được học bổng mơ ước, mở ra cánh cửa đến với Trung Quốc.
Cuộc sống du học sinh hiện tại ở Trung Quốc
Giờ đây, khi đã chính thức đặt chân đến Trung Quốc, Thuỳ Linh đang tận hưởng một cuộc sống du học đầy thú vị. Không chỉ tiếp xúc với nền văn hóa phong phú và lối sống hiện đại, Linh còn có cơ hội giao lưu với các bạn bè quốc tế và khám phá những điều mới mẻ mỗi ngày. "Mình cảm thấy rất hạnh phúc vì tất cả những cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Cuộc sống ở đây không chỉ là học tập, mà còn là những trải nghiệm vô giá giúp mình trưởng thành hơn," Linh chia sẻ.
Sau hơn một năm học tập tại Trung Quốc, Thuỳ Linh đã dần thích nghi với cuộc sống nơi đây, mặc dù những ngày đầu cô không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ. Ban đầu, rào cản ngôn ngữ cũng khiến cô gặp khó khăn khi phải đối mặt với những người nói tiếng địa phương, nhưng dần dần cô đã quen và hiểu được họ.
Về việc học tập ở đây, Linh chia sẻ rằng các thầy cô ở Trung Quốc rất giỏi và tận tâm, trong khi các bạn sinh viên cũng rất thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ. "Những trải nghiệm du học đã mang lại cho mình cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa mới thông qua ngôn ngữ khác, và mình tin rằng những kỹ năng này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm khi mình trở về Việt Nam", Linh nói thêm về tương lai sau khi tốt nghiệp.
Thuỳ Linh cùng hội bạn du học sinh trong buổi tổ chức giao lưu văn hoá. |
Thuỳ Linh cùng các bạn Trung Quốc trải nghiệm lẩu Việt Nam. |
Trước những bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học, cô có một lời khuyên chân thành: “Hãy đầu tư thời gian vào việc cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình, vì đây chính là chìa khóa giúp bạn mở ra nhiều cơ hội. Đừng ngần ngại tham gia vào các hoạt động ngoại khóa và tìm kiếm học bổng, vì điều này không chỉ giúp các bạn tiết kiệm chi phí mà còn làm phong phú thêm hồ sơ du học”. Cô bạn cũng nhấn mạnh rằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên trì là yếu tố quan trọng để vượt qua những thách thức mà các bạn có thể gặp phải.
Về tương lai, Thuỳ Linh dự định sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ sau khi hoàn thành chương trình đại học. Cô hy vọng sẽ ở lại Trung Quốc thêm một đến hai năm để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm, trước khi quay về Việt Nam. Cô bạn thể hiện rõ sự quyết tâm và định hướng tích cực cho con đường phía trước.
(Ảnh: NVCC)