Nguyễn Phương Thảo Hiền là sinh viên trường Đại học Sao Đỏ. |
Một sự thật là ngay từ ban đầu Hiền không có ý định học tiếng Trung. Nhưng cô nàng nhận thấy ngành ngôn ngữ Trung có cơ hội việc làm khá rộng mở. Nhà nước cho phép nhiều công ty Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore kinh doanh phát triển tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do mà nhu cầu nhân lực biết tiếng Trung rất lớn. Biết tiếng Trung cũng là lợi thế lớn cho sinh viên nếu có ý định du lịch hay học tập bồi dưỡng kiến thức thêm ở nước ngoài vì mức độ phổ biến của nó. “Nhưng khi vào học, mình cũng từng nghĩ đến việc chuyển ngành nghề ở giữa năm nhất vì lý do “không phù hợp, mình không học được”. May mắn, dưới sự động viên của thầy cô và các bạn mình đã tự tìm cho mình động lực và phương pháp học để biến nó trở thành ngôn ngữ thứ 2 của mình. Kể từ đó mình ngày càng có hứng thú và đam mê với tiếng Trung” –Thảo Hiền tâm sự.
Hiện nay, ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là tiếng Anh, đây là ngoại ngữ mà học sinh, sinh viên vẫn được phổ cập tại các cấp học. Vì vậy khi tiếp cận với một ngôn ngữ khác về cách viết, cách phát âm cũng khiến nhiều bạn vừa thấy thích thú vừa thấy do dự lo lắng. Thảo Hiền cho hay: “Thực chất tiếng Trung và tiếng Anh về phương pháp học cơ bản là giống nhau vì đều đi theo trình tự kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, so với tiếng Anh việc nhận biết mặt chữ của tiếng Trung khó hơn nhiều vì hệ thống chữ viết khác biệt hoàn toàn với ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Tuy nhiên về cách phát âm có nhiều từ phiên âm giống tiếng Việt nên về phần nghe, nói theo góc độ nào đó sẽ dễ hơn tiếng Anh.”
Để đạt tiến độ nhanh hơn cũng như tạo cho mình sự trôi chảy trong giao tiếp tiếng Trung, Thảo Hiền tự đổi mới phương pháp, đó chính là Livestream trò chuyện, giao lưu với bạn học tiếng Trung. |
Ngoài việc học trên lớp, Thảo Hiền thường nghe các bài hát tiếng Trung và tìm hiểu một số ứng dụng thực hành giao tiếp với người bản xứ. Đôi khi, cô nàng sẽ dành thời gian xem phim Trung Quốc hoặc các đoạn phóng sự ngắn. Để đạt tiến độ nhanh hơn cũng như tạo cho mình sự trôi chảy trong giao tiếp tiếng Trung, Thảo Hiền tự đổi mới phương pháp đó chính là Livestream trò chuyện, giao lưu với bạn học tiếng Trung cũng như người bản xứ sử dụng tiếng Trung đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Malaysia, Singapore...
Đều đặn hàng ngày, Thảo Hiền sẽ dành 2-3 tiếng để livestream vào buổi tối. “Sau mỗi lần live mình cảm thấy vốn từ vựng tiếng Trung được nâng cao hơn, tự tin trong giao tiếp và kỹ năng nghe nói, phát âm, đọc cũng được cải thiện rất nhiều. Đó là kết quả sau một thời gian mình kiên trì với nó. Bởi ai cũng có lần đầu nhiều bối rối, rụt rè chứ không phải mới làm đã được ngay. Mới đầu khi mình live còn xấu hổ vì vốn từ không đủ, nghe không hiểu và đọc bình luận thường phải dùng thiết bị điện thoại hoặc máy tính để dịch, rất tốn thời gian. Phát âm không chuẩn mọi người khó hiểu mình nói gì. Nhưng chỉ sau 3 đến 4 tháng tiếng Trung của mình đã được cải thiện khá rõ. Khi khả năng ngôn ngữ của mình phát triển, năm 2022 mình mạnh dạn đăng kí cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ và được giải Khuyến Khích” – Thảo Hiền chia sẻ.
Khi khả năng ngôn ngữ của Thảo Hiền phát triển, năm 2022 cô gái mạnh dạn đăng kí cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ và được giải Khuyến Khích. |
Cô nàng kể thêm: “Mình nhận thấy học sinh, sinh viên như chúng mình không phải ai cũng có điều kiện du học hay tiếp xúc với khu vực nhiều người Trung Quốc nên dù học đủ kiến thức trên lớp, mặt giao tiếp sẽ còn rất hạn chế nên thay vì ngày ngày chỉ đọc sách xem phim chúng ta có thể thay bằng nhiều phương pháp ví dụ như livestream. Để hiểu thêm về văn hóa nước bạn và thể hiện tài năng ca hát, nhảy múa sẽ được nhận những phần quà xinh, bắt mắt. Livestream vừa là một cách học hiệu quả, vừa là 1 công việc bán thời gian thú vị, hữu ích”.
Qua những chia sẻ trên, Thảo Hiền mong gửi gắm thông điệp tới các bạn sinh viên đồng trang lứa nói riêng và các bạn trẻ nói chung rằng: “Tiếng Trung không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Bất kể bạn học ngôn ngữ nào cũng vậy, sự kiên trì nỗ lực vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu.”