Nói về cơ duyên đến với ngành kỹ thuật, Hường tâm sự: “Thật tình mà nói, ngành Kỹ thuật ban đầu không phải lựa chọn của mình, vì trong thời điểm đó mình rất thích ngành Cảnh sát. Khi biết không đủ điểm, mình đã rất phân vân khi chọn học một ngành khác. Trong khoảng thời gian suy nghĩ nên học gì, làm gì, mình đã may mắn được biết đến Học viện Hàng không Việt Nam và đăng ký ngành Kỹ thuật Hàng không. Có thể nói, mình không chọn ngành mà ngành đã chọn mình".
Hường cho biết, sinh viên nữ học tập tại khối ngành Kỹ thuật (một ngành được xem là thuộc về nam giới) thì phải cố gắng gấp 2, 3 lần. Vì ngành Kỹ thuật khá vất vả, một số công việc cần khuân vác nặng, leo trèo để sửa chữa, lắp đặt thiết bị… đôi khi cũng khiến các bạn nữ nản lòng. Nhưng với Hường, những giờ học thực hành đã khiến “tình yêu” của cô bắt đầu dành cho ngành Kỹ thuật, Hường có được sự hứng thú của bản thân khi bước vào các giờ học thực hành.
Hường luôn cần mẫn để nâng cao nghiệp vụ cho mình. |
Mặc dù là nữ, nhưng Hường lại rất thích việc được cầm công cụ thực hành trên các động cơ hơn là nghiên cứu sách vở. Hường cũng không ngại khi phải làm việc ở ngoài nắng, tháo lắp động cơ, sửa chữa máy móc hoặc kể cả khi mang vác các vật nặng, vì Hường đã trang bị cho mình sức khỏe có thể đảm trách mọi việc như các bạn nam. Bên cạnh đó, Hường lại có sự khéo léo, tỉ mỉ trong công việc nên các việc Hường làm trở nên chỉn chu hơn rất nhiều. "Khi được tham gia lớp thực hành là lúc mình được là mình, được thoải mái học tập nhất", Hường nói.
Tiếp xúc với nghề sửa chữa máy bay, Hường cảm thấy thích thú và dần đam mê với nó. |
Bên cạnh đó, với “lợi thế” là sinh viên nữ, Hường được các thầy cô và bạn nam trong lớp giúp đỡ rất nhiệt tình. Khi không theo kịp kiến thức, Hường rất hay nhờ các bạn nam hướng dẫn thêm. Hường cho biết: “Với cái tính không ngại hỏi, mình đã học thêm rất nhiều kiến thức từ thầy cô và bạn bè”.
Trong quá trình học tập tại Học viện, Hường cho hay bản thân đã rất may mắn khi có cơ hội được cùng làm việc với các thầy cô trong nhiều dự án. Trong đó có đề tài “Ứng dụng thực tế ảo trong bảo dưỡng”. Với nghiên cứu này, người dùng có thể sử dụng các kính thực tế ảo đã được cài đặt sẵn các chương trình bảo dưỡng để thực hành hóa các quy trình bảo dưỡng của một hãng hàng không. Ngoài ra, Hường cũng tham gia nhóm nghiên cứu về quá trình đánh giá an toàn và chất lượng trong bảo dưỡng của hãng hàng không tại Học viện.
Hường với bộ trang phục ngành đầy cá tính. |
Với mong muốn cải thiện bản thân và tìm hiểu, học hỏi thêm về kiến thức trong ngành, sắp tới Hường cùng với một số thầy, cô phát triển thêm một dự án về kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, hỗ trợ cho quá trình học tập của sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không. Định hướng của cô gái trẻ là sẽ tiếp tục học và nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn.
Hường ngoài đời, với sự giản dị, dễ gần. |
Chia sẻ với các bạn nữ yêu thích các khối ngành Kỹ thuật, Hường nói giới tính không phải là vấn đề, chỉ cần đam mê, yêu thích và có mục đích thì các bạn sẽ đạt được điều mình muốn. “Trước tiên, các bạn phải chuẩn bị cho mình một tâm lý vững chắc cũng như sức khỏe tốt để có thể theo xuyên suốt quá trình học tập, nghiên cứu và phải nỗ lực hơn các bạn nam cùng lớp. Hãy luôn động viên bản thân mình cũng như phải vượt qua định kiến rằng chỉ có nam giới mới nên học ngành Kỹ thuật”, Hường chia sẻ.