Đoàn Thị Minh Phượng, người sáng lập tổ chức chuyên tư vấn du học APUS, cho rằng cần đợi thêm để đánh giá tác động của chỉ thị từ ICE đối với các du học sinh.
“Khả năng các trường mở theo phương án ‘hybrid’ (vừa học trực tuyến, vừa học offline trên giảng đường là khá cao, nên cá nhân mình nghĩ các du học sinh có thể không ảnh hưởng nhiều, mình không lo lắng”, chị Phượng nói với Zing từ thành phố St. Louis, Mỹ.
Sinh viên nước ngoài có thể phải rời Mỹ nếu chương trình học là 100% online vào mùa thu tới. Ảnh: AP.
Các trường vẫn bỏ ngỏ phương án
Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ngày 6/7 thông báo ngưng cho phép sinh viên nước ngoài học 100% online vào kỳ học mùa thu 2020. Sinh viên nước ngoài ở Mỹ vốn không được phép học toàn bộ online, nhưng chính quyền Mỹ đã cho ngoại lệ trong kỳ mùa xuân và kỳ hè năm nay, vì dịch Covid-19.
“Các sinh viên đang học trong các chương trình như vậy phải rời Mỹ hoặc có các biện pháp khác, chẳng hạn như chuyển sang một trường giảng dạy trực tiếp, để có thể ở lại hợp pháp. Nếu không, họ có thể gặp hậu quả về mặt di trú, bao gồm các thủ tục trục xuất”, thông cáo hôm 6/7 của ICE cho biết.
Chị Phượng dẫn phân tích mới đây của trang The Chronicle of Higher Education, chuyên về ngành giáo dục ở Mỹ, cho biết chỉ 8% trường đại học sẽ cho học trực tuyến vào mùa thu. Phần lớn trường đại học (60%) đang lên kế hoạch học trên lớp, số còn lại đang xem xét cách tiếp cận “cả hai” (hybrid), gồm cả học online lẫn offline.
“92% số trường vẫn để ngỏ các phương án. Mình nghĩ sẽ có các thông tin, hướng dẫn tiếp theo, để các bạn sinh viên yên tâm”, chị Phượng nói thêm.
Chị dự đoán các trường đại học sẽ xử lý khéo léo để giúp các du học sinh, nhưng họ chưa thông báo phương án cụ thể vì cần thêm thời gian để ngã ngũ các phương án.
Chị nêu ví dụ có trường đang cân nhắc lùi tới cuối tháng 9 nhập học để theo dõi tình hình dịch. Có trường dự tính cho học đan xen, nếu dịch bùng lên sẽ cho học online, không thì học trên lớp. Có trường cân nhắc cho sinh viên lấy những khóa nghiên cứu, thỉnh thoảng đến phòng lab, để đạt yêu cầu có tín chỉ học “trên lớp”.
“Mình nghĩ dạy hoàn toàn online hoặc hoàn toàn trên lớp thì sẽ quá cực đoan, gây tranh cãi quá lớn. Mình vẫn nghĩ kết hợp cả hai sẽ làm hài lòng số đông hơn”.
Trong khi đó, các sinh viên cũng như các phụ huynh, nhất là có con em học trung học, vẫn lo lắng.
“Bây giờ về Việt Nam cũng không có chuyến bay để về, có nhiều người thật sự bị mắc kẹt”, chị Phượng nói thêm.
Phản ứng từ du học sinh
Chị Phượng chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, sinh viên nước ngoài không thể học từ ngoài nước Mỹ mà giữ giấy tờ hợp pháp (legal status), dạng F-1.
“Trong dịch bệnh, họ cũng đã linh hoạt là cho phép sinh viên học online ngoài nước Mỹ, mà vẫn giữ được giấy tờ hợp pháp (legal status)”, chị Phượng nhận xét.
Một số trường ở Mỹ cho biết đang theo dõi trước khi có thông tin thêm.
"Ý nghĩa đầy đủ của thông báo... là chưa rõ, nhưng đã có những lo ngại được nêu ra, ảnh hưởng tới khả năng sinh viên mới tới Mỹ và sinh viên hiện tại được ở lại Mỹ", Đại học Harvard ra thông cáo, cho biết đang đánh giá bước tiếp theo.
Dù chưa rõ phạm vi ảnh hưởng của chỉ thị là tới đâu, thông báo của ICE cũng khiến nhiều du học sinh phản ứng gay gắt. Họ nhìn nhận chỉ thị này như một sự dồn ép với du học sinh, một cách thiếu cảm thông, khi mà nhiều nước chưa mở lại đường bay, chưa thể dễ dàng mua chuyến bay về nước.
Nguyễn Thảo Hương, 24 tuổi, du học sinh vừa tốt nghiệp từ Đại học Caldwell ở bang New Jersey, chỉ ra rằng học online hay trên lớp không phải là lựa chọn của du học sinh.
“Đây là vấn đề trường hoàn toàn chuyển sang học online, chứ không phải sinh viên lựa chọn lấy toàn các lớp online. Thế nên mọi người mới giận dữ, đây như là đuổi du học sinh về nước, trong khi họ vẫn đang chi trả tiền học”, Hương nói với Zing.
Có ý kiến nhìn nhận chính quyền liên bang đang ép du học sinh phải đến học trên lớp bất chấp rủi ro từ dịch bệnh. Có ý kiến chỉ ra rằng nhiều du học sinh đến từ các nước có kết nối Internet không ổn định, sẽ khó lòng học qua mạng. Đơn cử, các sinh viên Trung Quốc sẽ khó truy cập bộ phần mềm của Google phục vụ quá trình học.
Một số người chỉ trích các “biện pháp thay thế” mà thông cáo của ICE nêu ra để du học sinh giữ được giấy tờ hợp pháp (legal status) nếu trường của mình học 100% online: là chuyển trường.
"Du học sinh không nên phải chọn giữa sức khỏe và hoàn thành chương trình học... Giờ đã tháng 7... sẽ rất khó (hay gần như không thể), quá tốn kém, và cũng không an toàn để các sinh viên chuyển sang trường mới", một thỉnh nguyện thư lập ra ngày 6/7 để gửi lên Nhà Trắng viết.
"Hãy đối xử với sinh viên nước ngoài bằng sự tôn trọng như bất cứ sinh viên nào trên đất nước này", bức thư viết, đến chiều 7/7 có hơn 11.000 chữ ký trên tổng số 100.000 cần thiết mà Nhà Trắng phải phản hồi.
Chính quyền hạn chế nhập cư trên diện rộng
Chị Phượng nhận xét thêm rằng nhiều quyết sách của chính quyền Tổng thống Trump là để lấy lòng cử tri, và cần các hướng dẫn cụ thể thêm để đánh giá tác động. Chẳng hạn, hạn chế nhập cư là một đường lối mà ông luôn cổ xúy kể từ khi bắt đầu tranh cử.
“Ông muốn bám vào những cái đó... bảo vệ nhóm fan của ông, người ta thích nghe những cái đó”, chị nói.
Aaron Reichlin-Melnick, chuyên gia cố vấn chính sách tại Immigration Council (Hội đồng Nhập cư) - tổ chức vận động cải thiện hệ thống nhập cư Mỹ - cho rằng động thái này của chính quyền nhiều khả năng sẽ bị đưa ra tòa.
“Tôi không muốn cho ai lời khuyên pháp lý về trường hợp cụ thể của họ... nhưng tôi không khuyên ai đặt chuyến bay ngay bây giờ cả. Các vụ kiện là không thể tránh khỏi”, ông viết trên Twitter.
Tương tự như chị Phượng, ông Reichlin-Melnick cũng nhìn nhận chỉ thị mới này của ICE được ra đời trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump có nhiều động thái giới hạn nhập cư trong dịch Covid-19.
Ông cũng đặt câu hỏi vì sao Bộ An ninh Nội địa Mỹ đơn giản có thể bổ sung quy định hiện hành vốn cấm du học sinh học toàn bộ online, nhưng lại lựa chọn không làm vậy, dù là trong tình thế đặc biệt là dịch Covid-19.